Giải pháp nào để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tỉnh nhà?

(NTO) Tại hội nghị bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng du lịch gắn với hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do UBND tỉnh vừa tổ chức ngày 3-12, cho thấy để phát triển du lịch tỉnh nhà tương xứng với tiềm năng, lợi thế thì còn rất nhiều vấn đề đặt ra.

Khó về chất lượng dịch vụ

Chất lượng dịch vụ du lịch là một trong những yếu tố quan trọng để giúp ngành Du lịch phát triển bền vững, là yếu tố then chốt tạo nên uy tín, thương hiệu không chỉ cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch mà còn cho cả ngành Du lịch của tỉnh. Tuy nhiên về vấn đề này còn nhiều hạn chế, điều này đã được đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn chỉ ra tại hội nghị: “Suốt một thời gian khá dài mà chất lượng dịch vụ du lịch của chúng ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách, chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh vẫn chỉ ở mức trung bình, dẫn đến mức độ hài lòng của du khách khi đến Ninh Thuận kém hơn hẳn so với các tỉnh phát triển trong vùng”.

 
Bãi Kinh (Ninh Hải) thu hút đông du khách đến tham quan.

Một hạn chế khác được các đại biểu nêu ra, đó là: Các cơ sở ăn uống tuy đa dạng nhưng chất lượng phục vụ chưa chuyên nghiệp, nguồn nhân lực còn yếu và thiếu kỹ năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ hạn chế; công tác truyền thông, quảng bá về du lịch tuy có cải thiện, nhưng còn nhiều bất cập, thiếu tính chuyên nghiệp, sáng tạo; vệ sinh môi trường chưa đảm bảo… Bên cạnh đó cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hiện nay cơ sở vật chất, hạ tầng để phát triển du lịch của tỉnh còn nhiều hạn chế, nhất là việc đầu tư hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch nói chung còn chậm. Kết cấu hạ tầng cũng như vốn đầu tư cho hạ tầng du lịch không theo kịp quá trình phát triển KT-XH. Ngoài ra, hệ thống cơ sở lưu trú phân bố không đồng đều, quy mô nhỏ, chất lượng dịch vụ không cao, chưa phong phú, đa phần tập trung tại Tp.Phan Rang-Tháp Chàm và huyện Ninh Hải, trong đó chỉ có gần 40% số phòng đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, như vậy chưa đáp ứng nhu cầu đối với du khách chi tiêu cao, khách du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị và triển lãm).

 
Du khách tham quan làng nghề gốm Chăm Bàu Trúc.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Một trong những vấn đề tồn tại về du lịch mà nhiều đại biểu băn khoăn đó là làm sao để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Ông Nguyễn Đình Luân, Giám đốc Resort Bàu Trúc, đánh giá: Công tác đào tạo nghiệp vụ du lịch tại các cơ sở của địa phương hiện nay còn thiếu và yếu về kỹ năng thực hành, nguyên nhân là do chưa có một không gian khách sạn thu nhỏ để học viên có thể trực tiếp thực hành tại cơ sở đào tạo, do đó khi ra trường các em còn khá yếu về phong cách, kỹ năng phục vụ.

 
Du khách đến khám phá các vườn nho và thưởng thức hương vị nho Ninh Thuận. Ảnh: V.M

Đại diện Công ty Du lịch Đất nước Việt, ông Võ Minh Tín nêu lên một số rào cản đối với phát triển du lịch tại tỉnh ta, ông Tín cho biết: Hiện nay, xe du lịch chở các đoàn khách vào khu vực trung tâm thành phố bị cấm, điều này gây khó khăn cho việc tham quan, mua sắm của du khách; ngoài ra, tỉnh chưa có sự hỗ trợ tích cực đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tham gia vào hội chợ xúc tiến tại TP.Hồ Chí Minh, điều này đã làm mất đi nhiều cơ hội để doanh nghiệp có thể quảng bá, giới thiệu về du lịch của Ninh Thuận. Tỉnh cũng cần xây dựng khu vực ẩm thực riêng để tạo thuận lợi cho du khách tìm hiểu và thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cần liên kết hỗ trợ với nhau vì như hiện nay, mạnh ai nấy làm thì sẽ không thể phát triển du lịch bền vững.

Ông Nguyễn Văn Mọi, chủ cơ sở Nho Ba Mọi cho rằng: Để du lịch của tỉnh phát triển thì bất kể ai cũng phải làm du lịch, từ anh lái xe thồ, taxi, đến người bán hàng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chèo kéo, tranh giành, “chặt chém” du khách. Ông cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện Ninh Phước để xây dựng khu du lịch sinh thái dọc bờ sông Dinh để du khách có thể tham quan, thưởng thức các giàn nho.

 
Đường ven biển (đoạn Bình Tiên - Vĩnh Hy) mở hướng phát triển du lịch của tỉnh. Ảnh: Đình Nhi

Sau khi nghe lãnh đạo các sở: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải đáp một số khó khăn, vướng mắc cũng như kiến nghị của các doanh nghiệp, đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những ý kiến trao đổi, góp ý của các doanh nghiệp, qua đó giúp cho địa phương có thêm nhiều giải pháp để khắc phục những hạn chế trong hoạt động du lịch. Thời gian tới, đồng chí cam kết sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư hạ tầng du lịch; đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Đối với các doanh nghiệp, đồng chí yêu cầu cần tăng cường sự liên kết, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, kịp thời kết nối với các ngành chức năng để tìm hướng đi mới cho phát triển du lịch; đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động du lịch, dịch vụ, qua đó góp phần đưa Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao và có uy tín trên bản đồ du lịch của cả nước.