Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật về hội

Chiều 26/11, Quốc hội làm việc tại hội trường để thảo luận về Dự thảo Luật về hội. Dù đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với Dự thảo Luật, nhưng vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn về điều kiện, thời gian thành lập hội; việc tham gia hội của người nước ngoài...

 
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phát biểu thảo luận về Luật về hội.
(Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Đoàn Hải Phòng) băn khoăn khi Dự thảo Luật quy định lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động.

Theo đại biểu Vinh, hiện nay có nhiều lĩnh vực hoạt động trùng lặp giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hội, nhưng lại khác nhau phương pháp kinh doanh và bán hàng, nếu quy định như Dự thảo Luật sẽ hạn chế nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp, không tạo ra yếu tố cạnh tranh, hạn chế quyền tự do thành lập hội.

Dẫn chứng thủ tục thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp chỉ mất 3 ngày, đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng việc đăng ký thành lập hội lại mất 60 ngày là quá dài, cần nghiên cứu theo hướng đơn giản hóa quy trình thành lập hội, giảm bớt thủ tục hành chính hóa .

Cũng liên quan đến điều kiện thành lập hội, đại biểu Cù Thị Hậu (Đoàn Hưng Yên), đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Đoàn Thái Bình) và đại biểu Đặng Kim Liên (Đoàn Yên Bái) chưa đồng tình với quy định “có từ 03 công dân, pháp nhân Việt Nam đăng ký tham gia hội”. Theo các đại biểu, quy định số lượng đăng ký tham gia hội như thế là quá ít, cần nâng lên thành 7 người. Nếu số lượng quá ít sẽ không phù hợp với cơ cấu tổ chức của hội mà Dự thảo Luật quy định.

Về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội, Dự thảo Luật đặt ra điều kiện “không vì mục đích lợi nhuận”, nhưng lại cho phép “tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, cung cấp dịch vụ, đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ hành nghề khi có đủ điều kiện”. Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận), quy định như thế là không rõ, bởi khi tham gia vào các hoạt động này, hội viên phải có thu nhập. Cứ tạm gọi thu nhập là thù lao, nhưng việc chi thù lao lại không có quy định nào.

Về quyền lập hội và quyền tham gia hội của cán bộ, công chức, hiện đang có hai quan điểm khác nhau. Trong khi đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Đoàn Cần Thơ) đề nghị Dự thảo Luật cho phép công chức tham gia hội nghề nghiệp, thì đại biểu Nguyễn Sỹ Cương lại tỏ ra e ngại.

“Hiện cán bộ, công chức đã mất nhiều thời gian hội họp, nên cần hạn chế tối đa việc cho phép tham gia hội, nếu không sẽ không đủ thời gian thực hiện những công việc được giao” - đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phân tích.

Về quy định người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam tham gia hội, vẫn còn hai quan điểm khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị, người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia hội trong một số trường hợp theo quy định của Chính phủ. Loại ý kiến thứ hai đề nghị, không quy định trong Luật việc tham gia hội của người nước ngoài.

Cũng trong chiều nay, với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO); Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam