Ngành Thuế đẩy mạnh các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế

(NTO) Công tác xử lý, thu hồi nợ thuế là nhiệm vụ quan trọng, góp phần chống thất thu ngân sách (NS), từ đầu năm đến nay, ngoài việc đề ra các giải pháp để quản lý tốt nguồn thu, Cục Thuế tỉnh còn tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp để đôn đốc, xử lý thu hồi nợ thuế.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, nên tình trạng nợ thuế còn dây dưa, kéo dài. Tính đến thời điểm 30-9-2015, tổng số nợ thuế toàn tỉnh là 112 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,8% tổng thu NS. Trong đó, địa bàn Tp.Phan Rang – Tháp Chàm, có tổng số nợ là 16 tỷ đồng; Ninh Sơn 4,7 tỷ đồng; Ninh Hải 1,7 tỷ đồng; Ninh Phước 6 tỷ đồng; Thuận Nam 5,5 tỷ đồng; Thuận Bắc 1 tỷ đồng; Bác Ái 1 tỷ đồng và cơ quan Văn phòng Cục thuế 77 tỷ đồng.

Ngành Thuế tập huấn các chính sách thuế mới cho doanh nghiệp và người nộp thuế.

Đồng chí Vũ Đình Trọng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết: Nợ đọng thuế là vấn đề hết sức nan giải, ảnh hưởng đến nguồn thu của từng địa phương nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Nhưng với quyết tâm cao của toàn ngành trong việc triển khai các giải pháp, như: Giao chỉ tiêu thu nợ cho từng Chi cục Thuế, từng cán bộ làm công tác thu nợ thuế; công khai tên các trường hợp nợ thuế trên Website của ngành; phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện khấu trừ thuế đối với các doanh nghiệp nợ thuế... Thông qua cách làm này, trong 10 tháng năm nay, đơn vị đã xử lý thu nợ được trên 50 tỷ đồng; trong đó, thu từ khấu trừ thuế đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản vãng lại được 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, ngành thuế còn xử phạt hành chính và truy thu được thêm 25,3 tỷ đồng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế như đã kể trên, nhưng trước hết là do nhận thức về nghĩa vụ nộp thuế của một bộ phận đối tượng nộp thuế chưa cao, nên dù cơ quan thuế có nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn cố tình nợ thuế. Có trường hợp thì cơ sở kinh doanh đã giải thể, tạm ngưng hoạt động nhưng không khai báo, nên cơ quan thuế tiếp tục tính thuế, dẫn đến treo nợ khống. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là trách nhiệm quản lý, đôn đốc thu nộp thuế của một số cán bộ, đơn vị thu chưa cao, có lúc chưa bám sát địa bàn để thường xuyên nhắc nhở, thực hiện triệt để các biện pháp xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế...

Đồng chí Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết thêm: Thời gian từ đây đến cuối năm không còn nhiều. Do vậy, để xử lý, thu hồi nợ đọng thuế đạt hiệu quả, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ thu NS năm 2015, hiện ngành Thuế đang thành lập các Tổ đôn đốc và xử lý nợ đọng thuế, để áp dụng đồng bộ các biện pháp thu nợ. Tiếp tục đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra bằng việc đẩy mạnh giám sát hồ sơ khai thuế và ứng dụng công nghệ thông tin vào việc phân tích, xác định lĩnh vực, doanh nghiệp có rủi ro cao để tập trung thanh tra, kiểm tra chống thất thu, gian lận thuế. Không những vậy, đơn vị còn thực hiện nghiêm việc phạt nộp chậm tiền thuế đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo đúng quy định, để hạn chế gia tăng các khoản nợ mới. Tăng cường rà soát nguồn thu, thực hiện giám sát kê khai nộp thuế của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản, khai thác tài nguyên khoáng sản, kinh doanh bất động sản, thu mua và chế biến các mặt hàng nông- lâm- thủy hải sản..., nhằm kịp thời thu đúng, thu đủ các khoản thuế phải nộp NS.

Bên cạnh đó, ngành Thuế còn phối hợp các cơ quan Báo Ninh Thuận, Đài PT-TH tỉnh tuyên truyền, phổ biến những nội dung quan trọng của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, giúp các đối tượng nộp thuế biết, hiểu để chấp hành nộp thuế đúng hạn. Phối hợp các đơn vị: Công an Kinh tế, Quản lý thị trường và các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát về giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên khâu lưu thông; chống gian lận trong sử dụng hóa đơn, trong hoàn thuế GTGT... Phấn đấu đến cuối năm, khống chế tỷ lệ nợ thuế không vượt quá 5% trên tổng số thu NS.