Quốc hội thông qua Bộ luật Tố tụng dân sự

Sáng 25/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Tố tụng dân sự với 88,66% đại biểu có mặt tán thành. Một điểm mới đáng chú ý của Bộ luật này là tại khoản 2 Điều 4 quy định: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.

Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, gồm 42 chương, 517 điều quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án nhân dân (sau đây gọi chung là Tòa án) giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là vụ án dân sự) và trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là việc dân sự); trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự (sau đây gọi chung là vụ việc dân sự) tại Tòa án; thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài; thi hành án dân sự; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, của cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) có liên quan nhằm bảo đảm cho việc giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật.

BLTTDS được áp dụng đối với mọi hoạt động tố tụng dân sự trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. BLTTDS được áp dụng đối với mọi hoạt động tố tụng dân sự do Cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tiến hành ở nước ngoài. Bộ luật cũng được áp dụng đối với việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài; trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà XHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Một điểm mới đáng chú ý của Bộ luật này là tại khoản 2 Điều 4 quy định: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Trước đó, trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo BLTTDS, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết: Về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (các điều 4, 43, 44 và 45), đa số ý kiến nhất trí với dự thảo BLTTDS, theo đó Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị xác định rõ nguyên tắc, thủ tục bảo đảm chặt chẽ, nên quy định giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết hoặc giao cho Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn giải quyết vụ việc dân sự này.

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã giải trình tại Báo cáo số 965/BC-UBTVQH13 ngày 23/10/2015. UBTVQH báo cáo với Quốc hội rõ hơn về một số nội dung như sau: Việc xác định Tòa án cấp nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo Bộ luật cần căn cứ vào quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và của BLTTDS. Trong số vụ việc dân sự mới phát sinh có vụ việc đơn giản, có vụ việc phức tạp, có yếu tố nước ngoài, do đó quy định nguyên tắc chung như Điều 43 của dự thảo Bộ luật là phù hợp “Thẩm quyền của Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 35 đến Điều 41 của Bộ luật này”. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), để bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật thống nhất, tránh lạm dụng trong thực tiễn, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý lại quy định tại khoản 2 Điều 4 và bổ sung quy định về áp dụng tập quán tại Điều 45 của dự thảo Bộ luật.

Về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự, nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nên VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng (Loại ý kiến thứ nhất). Một số ý kiến ĐBQH cho rằng trong tố tụng dân sự VKSND không thực hiện quyền công tố mà chỉ thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, nên VKSND là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự mà không phải là cơ quan tiến hành tố tụng cũng như không phải là cơ quan tham gia tố tụng (Loại ý kiến thứ hai). UBTVQH nhận thấy việc xác định vị trí của VKSND trong tố tụng dân sự là nội dung lớn, còn có ý kiến khác nhau. Vì vậy, để bảo đảm thận trọng, có cơ sở chắc chắn cho việc tiếp thu, chỉnh lý, UBTVQH đã chỉ đạo Đoàn Thư ký kỳ họp xin ý kiến của các vị ĐBQH bằng phiếu. Kết quả có 233 vị ĐBQH tán thành với loại ý kiến thứ nhất, (55,7%); có 185 vị ĐBQH tán thành với loại ý kiến thứ hai, (44,3%). Vì vậy, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý theo loại ý kiến thứ nhất của ĐBQH…/.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam