Trăn trở nghề nuôi tôm thương phẩm

(NTO) Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh, đầu năm nay, giá bán tôm thương phẩm bắt đầu giảm thấp, trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 9, giá tôm dao động từ 100.000-105.000 đồng/kg (loại 100 con/kg), rồi tiếp tục giảm chỉ còn 88.000-90.000 đồng/kg trong tháng 10. Hiện tại, giá có nhích lên 102.000 đồng/kg, nghĩa là vẫn còn trong ngưỡng thấp nên người nuôi tôm không khỏi thấp thỏm nỗi lo.

Từ nhiều tháng qua, dù đã vào vụ mới nhưng có không ít người nuôi tôm bỏ trống ao đìa. Đến vùng nuôi tôm dọc tuyến đường ven biển thuộc xã An Hải (Ninh Phước) vào một ngày giữa tháng 11, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là sự yên ắng, nhiều điểm nuôi vắng bóng người.

Dù có diện tích nuôi trên 2 ha, nhưng anh Bùi Xuân Thái ở An Hải (Ninh Phước)
chỉ thả nuôi 1/3 vì lo ngại lỗ.

 Anh Bùi Xuân Thái, người nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng, than thở: “Ở đây có khoảng 70% ao đìa bỏ không, giá tôm giảm khác thường đã làm nhiều người thua lỗ, không dám tiếp tục thả nuôi”. Dù có diện tích nuôi trên 2ha, chia làm 9 ao nhưng hiện anh Thái chỉ dám thả nuôi 3 ao. Mọi năm với giá bán 150.000 đồng/kg tôm (loại 100 con/kg), bình quân thu hoạch 1 tấn, anh Thái có thể lãi từ 70-80 triệu đồng. Năm ngoái làm được 20 tấn tôm/vụ, anh lãi trên 1,5 tỷ đồng/vụ, nhưng với giá 102.000 đồng/kg hiện nay, bán 1 tấn tôm chỉ lãi hơn 10 triệu đồng. Tương tự, anh Phạm Duy Linh (thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh, Thuận Nam) có 2,3ha (9 ao), vừa qua thu hoạch 47 tấn, nhưng vì giá thấp nên lãi ít, chỉ bằng 12% năm ngoái. Vào vụ mới, theo quan sát của anh, trong vùng chỉ có khoảng 50% hộ (diện nuôi lớn) tiếp tục sản xuất, nhưng trung bình cứ 10 ao thì có 7 ao bỏ trống để cải tạo, 3 ao bám nuôi cầm chừng.

Nguyên nhân vì sao giá tôm thương phẩm xuống thấp? Theo Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã nhập tôm từ các nước có giá bán thấp hơn nhiều nên giá tôm trong nước theo đó giảm mạnh. Anh Bùi Xuân Thái cho biết: “Nếu tính loại tôm cỡ 100-150 con/kg, giá thành sản xuất vào khoảng 75.000-80.000 đồng/kg, nhưng với các hộ nuôi sử dụng nhiều kháng sinh, giá thành lên đến 90.000 đồng/kg, với giá bán tôm thành phẩm như vừa qua, coi như huề vốn hoặc lỗ”. Trong khi đó, theo Chi cục NTTS tỉnh, ở các nước có nghề nuôi tôm thương phẩm như Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan…, giá thành sản xuất chỉ khoảng 65.000 đồng/kg tôm (loại 100 con). So sánh có thể thấy, để cạnh tranh và có lãi, người nuôi chỉ còn cách duy nhất là hạ giá thành sản xuất và đây chính là nỗi trăn trở của nghề nuôi tôm thương phẩm tỉnh nhà. Anh Phạm Duy Linh chia sẻ: Để giảm giá thành đầu tư sản xuất, tôi nghĩ con giống là yếu tố quyết định đến 60-70%, bởi nếu giống tốt thì đầu tư thấp hơn, vì chỉ cần 3 tháng nuôi là có tôm thành phẩm xuất bán, nhưng giống xấu phải kéo dài tới 4 tháng nuôi và lượng hao hụt đến 35-40%, chưa kể chất lượng tôm sống cũng kém.

Tuy nhiên, để biết tôm post giống có chất lượng hay không là điều ngoài tầm của người nuôi, thông thường khi mua họ chỉ cảm nhận bằng mắt thường và dựa vào mối quan hệ tin cậy với cơ sở sản xuất giống chứ không có cách gì thẩm định được giống đã kiểm nghiệm hay chưa. Anh Phạm Bá Châu, Giám đốc Công ty TNHH Giống thủy sản Châu Á (xã Nhơn Hải, Ninh Hải), cũng là người kiêm nghề nuôi tôm thương phẩm, chia sẻ: Về chất lượng giống, tôi nghĩ cơ quan chức năng cần quản lý chặt hơn về xuất xứ tôm bố mẹ, nếu tôm bố mẹ không mạnh khỏe tất nhiên tôm post không thể có chất lượng tốt. Điểm quan trọng nữa là phải phát huy tính cộng đồng của người nuôi, tôi từng nhìn thấy ở vùng nuôi Cà Đú (thị trấn Khánh Hải, Ninh Hải), khi được cơ quan chức năng phát thuốc Chlorine để phun xịt xuống các mương nước dập dịch, có hộ đã lén giữ lại sử dụng riêng, bất chấp hậu quả là nguồn nước sẽ bị ô nhiễm, gây tác hại chung.

Hiện nay đang có một thực trạng đáng lo là việc sử dụng tràn lan thuốc kháng sinh, một số hộ nuôi sau một tháng thả thấy tôm nhiễm bệnh, thay vì xả bỏ lại dùng thuốc kháng sinh, dẫn đến tôm có dư lượng thuốc kháng sinh cao và làm ảnh hưởng đến uy tín của các hộ nuôi tôm sạch lân cận. Đáng nói là ở vùng nuôi Từ Thiện (xã Phước Dinh), nhiều hộ đã thả nuôi xen kẽ ốc hương, một đối tượng nuôi lẽ ra phải được cách ly bởi mức độ chất thải gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Tuy chưa thể nói do từ các nguyên nhân trên, nhưng theo nhiều người nuôi tôm, thời gian gần đây đang có hiện tượng thoái hóa giống, tôm nuôi dường như chậm lớn hơn mọi lần, do đó giá thành sản xuất không giảm được như mong muốn. Trước đây, con giống có tỷ lệ sống cao, tăng trưởng tốt, đơn cử với mật độ thả nuôi 100 con/m2 sau 1 tháng sẽ sống được 70%, nay chỉ còn 50%.

Như vậy để giảm giá thành đầu tư sản xuất, ngoài con giống, điều quan trọng không kém là các yếu tố môi trường, nguồn nước và tính cộng đồng của người nuôi. Cụ thể, phải quy hoạch lại vùng nuôi, ngăn chặn triệt để tình trạng nuôi xen kẽ đối tượng khác, kiên quyết xử phạt các hộ gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường nuôi và phát huy tính cộng đồng, liên kết giúp đỡ nhau. Để làm được điều này, giải pháp hàng đầu là phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra của ngành chức năng.