Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động phong trào thể thao

(NTO) Trong những năm quan, phong trào thể dục thể thao (TDTT) có những bước chuyển biến tích cực, đã góp phần đáng kể vào việc duy trì và nâng cao thể chất cho Nhân dân. Ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động lĩnh vực xã hội hoá thể thao; số người dân đến với hoạt động thể thao ngày càng tăng, nhiều người đã tìm cho mình môn thể thao phù hợp để thường xuyên tập luyện.

Gần 3 năm nay, Cụm sân cỏ nhân tạo Hoàn Mỹ của công ty TNHH Giải trí Xanh ở phường Phước Mỹ đã trở thành điểm hẹn của những người đam mê môn thể thao “vua”-bóng đá và nơi tổ chức thi đấu các giải bóng đá mini truyền thống của các hội đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn Tp Phan Rang-Tháp Chàm. Theo người dân ở đây, từ khi có sân bóng, ngày nào, thanh thiếu niên cũng đến sân rất đông để tập luyện và thi đấu với nhau. Anh Vĩnh An, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, cho biết: “Từ khi đi vào hoạt động, sân bóng đã tạo sân chơi lành mạnh cho các tầng lớp Nhân dân. Mỗi tuần em tham gia đá ba buổi cùng nhóm bạn, vừa rèn luyện sức khoẻ, vừa thoả đam mê trái bóng tròn. Mỗi buổi đá cũng chỉ đóng góp 15.000 đến 20.000 đồng”. Còn anh Trung, thành viên Hội đồng quản trị Công ty TNHH Giải trí Xanh, cho biết: “Dù kinh phí xây dựng các sân cỏ nhân tạo này khá lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, phí dịch vụ thấp, độ rủi ro cao, nhưng công ty chúng tôi vẫn quyết định đầu tư vì muốn tạo thêm nhiều điểm tập cho người dân nâng cao sức khỏe, thi đấu thể thao”.

 
Giải bóng đá mini truyền thống công nhân lao động được tổ chức tại SVĐ cỏ nhân tạo Hoàn Mỹ.

Ngoài bóng đá, thể dục thể hình thẩm mỹ cũng thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp đầu tư. Tại Tp Phan Rang-Tháp Chàm, có trên 20 chục CLB tập thẩm mỹ, thể hình, Aerobic, Yoga… do tư nhân mở. Anh Nguyễn Văn Huy, chủ nhiệm CLB Thể dục thể hình Kiến Càng, cho biết: “Nhận thấy nhu cầu làm đẹp vóc dáng, nâng cao sức khỏe của người dân cao, ngoài CLB cũ tại Sân vận động tỉnh, tôi cũng đã mở thêm mở thêm CLB thứ 2 tại đường Quang Trung. Ở cả hai điểm mỗi ngày đón gần 300 người dân tham gia luyện tập”.

Theo thống kê của ngành VHTT-DL, nhờ đa dạng hoá sân chơi thể thao, nhất việc tổ chức các hoạt động xã hội hoá TDTT, đã huy động được nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng sân chơi thể thao mới, có mức đầu tư cao như sân quần vợt, bể bơi, sân bóng đá cỏ nhân tạo, các phòng tập thể dục thẩm mỹ, thể hình… với kinh phí đầu tư hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Phong trào thể thao quần chúng phát triển đa dạng với các loại hình tập luyện, thu hút đông đảo các đối tượng tham gia như thanh, thiếu niên chơi bóng đá, bóng chuyền, việt dã; người trung niên đi bộ, chạy thể dục buổi sáng, chơi cầu lông, bóng bàn; người cao tuổi tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ, chơi cờ tướng, bóng bàn… Từ đó tạo ra một phong trào TDTT sôi nổi, liên tục, rộng khắp trên các địa bàn dân cư, với nhiều hình thức hoạt động TDTT phong phú và đa dạng ở các cấp, các ngành như: Hội khỏe Phù Đổng, hội thao, các giải thể thao hàng năm, đặc biệt là tổ chức định kỳ đại hội TDTT các cấp từ tỉnh đến cơ sở, thu hút hàng nghìn người dân tham gia tập luyện và thi đấu. Dự kiến, đến cuối năm 2015, người dân thường xuyên tham gia TDTT đạt 25,76% dân số; tỷ lệ gia đình thể thao đạt trên 15,06% tổng số hộ; số câu lạc bộ thể thao đạt trên 262 vào năm 2015 đạt vượt mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2011-2015 đề ra.

Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII và Quy hoạch phát triển ngành TDTT tỉnh đến năm 2020 là tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hoạt động TDTT, tiến tới xây dựng TDTT tỉnh nhà phát triển. Phấn đấu tỷ lệ người dân tập luyện TDTT thường xuyên đạt đạt 29,8% dân số vào năm 2020; tỷ lệ gia đình thể thao đạt trên 16,63% tổng số hộ vào năm 2020; số câu lạc bộ thể thao đạt trên 343 câu lạc bộ vào năm 2020.

Ông Bùi Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh, cho biết: Để đưa phong trào TDTT tỉnh phát triển mạnh mẽ trong 5 năm tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển sự nghiệp TDTT, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về ý nghĩa, vai trò của việc tập luyện TDTT, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Tăng cường các nguồn lực của nhà nước, nguồn lực xã hội hoá nhằm xây dựng cơ sở vật chất cho TDTT; phát triển các môn thể thao hiện đại, khôi phục các môn thể thao truyền thống, duy trì và hoàn thiện hệ thống thi đấu thể thao phong trào được tổ chức hằng năm…để hoạt động TDTT quần chúng ngày càng phát triển, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.”.