Thận trọng với thức ăn đường phố

(NTO) Thức ăn đường phố luôn có nguy cơ tiềm ẩn một số dịch bệnh liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được các ngành chức năng cảnh báo. Tuy nhiên, qua quan sát các quán ăn đường phố, từ cung cách phục vụ, phương tiện chế biến đến cách bày biện thức ăn…, nhiều người không khỏi lo ngại đến sức khoẻ.

Dạo quanh các quán ăn vỉa hè trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, điều dễ nhận thấy là tất cả những người bán hàng đều không đeo tạp dề và không dùng găng tay để chuẩn bị món ăn cho khách. Việc kinh doanh diễn ra trên vỉa hè không chủ động được nguồn nước rửa nên để đảm bảo vừa nhanh, vừa tiết kiệm, chén đũa sau khi phục vụ sẽ được các chủ hàng tráng qua một lượt với nước rửa chén rồi rửa “sơ” lại lần nữa. Lượng nước thì ít mà chén, bát, đũa thì nhiều nên dù gạt bỏ được thức ăn thừa và dầu mỡ nhưng lại bám thêm số hóa chất từ nước rửa chén.

 
Thức ăn đường phố, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSTP.

Là món ăn “khoái khẩu” của nhiều bạn trẻ, thời gian gần đây, các món nướng xiên que được bày bán khá nhiều các tuyến đường của Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Riêng khu vực Quảng trường 16 Tháng 4, ngoài một số quán ăn cố định, có bàn ghế đầy đủ, còn có hơn chục xe di động phục vụ các món này. Trên chiếc kệ nhôm, thức ăn được bày bán rất bắt mắt, hấp dẫn. Tuy nhiên, do không có tủ đựng và che chắn sơ sài nên ruồi nhặng đu bám rất nhiều. Không nắp đậy, không tủ đựng, không màng che, đó là thực trạng chung của nhiều quày thức ăn đường phố tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Bên cạnh đó, vì nằm sát đường đi, lối lại nên lượng bụi bẩn bám vào không hề ít.

Rõ ràng, chỉ với “những điều trông thấy” cũng đủ hiểu rằng việc đảm bảo ATVSTP với thức ăn đường phố là điều không thể. Đó là chưa kể đến đa phần nguyên liệu phục vụ tại các quán ăn đường phố, vỉa hè đều không rõ nguồn gốc.

Sử dụng thức ăn bán sẵn lâu nay đã trở thành thói quen của nhiều người. Nhanh chóng, tiện lợi, đa dạng, rẻ là những lý do chính để nhiều khách hàng tìm đến với thức ăn đường phố, mặc dù biết rõ tiềm ẩn nguy cơ rất cao về mất ATVSTP. Khi được hỏi về sự an toàn của thức ăn đường phố, nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, cho biết: “Dù nghe báo, đài nói nhiều về nguy cơ mắc một số bệnh về đường tiêu hóa khi sử dụng thức ăn đường phố nhưng vì ít tiền và do thói quen nên chúng em thường rủ nhau đến các quán trên đường phố”. Không chỉ giới trẻ, với nhiều người lớn tuổi, dân lao động hay cả công nhân viên chức, thức ăn đường phố cũng được ưa chuộng.

Theo số liệu thống kê từ Chi cục ATVSTP, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm với 32 người mắc, trong đó có 1 người tử vong. Thiết nghĩ, trong khi chờ sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng thì mỗi người nên cân nhắc trong việc sử dụng các loại thức ăn đường phố để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.