Vấn đề hôm nay:

“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất…!”

(NTO) Nước ta vốn có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, cho nên Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 có một vị trí rất đặc biệt, bởi lẽ đây không chỉ đơn thuần là ngày lễ hội của một ngành nghề, của riêng các thầy, cô giáo mà đã trở thành ngày hội của toàn dân, ngày lễ tôn vinh sự học, tôn vinh những người thầy đáng kính, những người “lái đò” âm thầm, lặng lẽ trong công việc “gieo hạt” để ươm mầm xanh cho đất nước. Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”.

 
Giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tận tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Văn Miên

Quả thật, thầy giáo là một hình mẫu với những gì cao đẹp nhất được xã hội từ xưa đến nay đều quý trọng. Lịch sử giáo dục dân tộc vẫn còn lưu lại nhiều tên tuổi các thầy giáo nổi tiếng về đạo đức, khí tiết, học vấn uyên thâm, đã đào tạo, rèn luyện được nhiều lớp người thành đạt, đóng góp cho việc xây dựng đất nước trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao và văn hóa như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn…

Người thầy không chỉ dạy cho học trò của mình chữ nghĩa, kiến thức mà còn dạy đạo đức làm người đúng nghĩa. Hay nói cách khác, người thầy không những cung cấp kiến thức mà còn truyền đạt cho bao lớp học trò những cảm xúc tinh thần, hướng dẫn người học làm theo một cách tốt nhất. Họ là những người rất coi trọng tri thức, lấy việc “dạy chữ, dạy người” làm lẽ sống. Ngày nay, người thầy vừa phải chú trọng tri thức khoa học, vừa phải biết kết hợp với thực tiễn, nói đi đôi với làm, học đi đôi với hành. Mỗi người thầy phải thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo…

Có thể nói, sự nghiệp “trồng người” cao cả đến như vậy nhưng tiếc thay, trong xã hội hôm nay đây đó vẫn có những quan niệm chưa đúng về nghề dạy học. Tình trạng một số học sinh còn có biểu hiện xem thường kỷ cương học tập, thậm chí họ còn có thái độ vô lễ với thầy, cô giáo. Những hành vi đó vô hình trung đã làm hoen ố truyền thống tốt đẹp “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Thiết nghĩ, khi còn ngồi trên ghế học đường mà không học hành nghiêm túc, không kính trọng thầy, cô giáo thì sau này khó trở thành công dân tốt.

Ngày nay, với sự biến đổi của điều kiện kinh tế - xã hội đã tác động không nhỏ tới đời sống đạo đức nói chung, đạo đức người thầy nói riêng. Vì vậy, để tiếp nối được truyền thống đạo đức cao đẹp của người thầy, để xứng đáng với lòng mong đợi của toàn xã hội, để đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển thì mỗi người thầy hôm nay phải không ngừng trau dồi, hoàn thiện bản thân cả đạo đức lẫn tay nghề để đáp ứng được những đòi hỏi và kỳ vọng của xã hội, làm tốt công tác “dạy chữ, dạy người”.

Một nhà văn Nga đã có câu nói nổi tiếng rằng: “Dưới ánh hào quang của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học”. Nhân ngày truyền thống Nhà giáo 20-11, mong rằng những người thầy của hôm nay và mai sau hãy tự hào với truyền thống vẻ vang của nghề và cùng chung sức để làm cho truyền thống đó ngày càng được tiếp thêm sức mạnh, giữ mãi “ánh hào quang”, góp phần xây dựng đất nước nói chung, tỉnh nhà nói riêng giàu mạnh, văn minh, phồn vinh và phát triển.