Hoạt động khoa học & công nghệ cấp huyện, thành phố giai đoạn 2016 - 2020: Chú trọng chuyển giao mô hình sản suất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

(NTO) Những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp huyện, thành phố đạt được những kết quả nhất định. Các đề tài, dự án, đề án tập trung phục vụ nông nghiệp, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành động lực thúc đẩy phát triển sản xuất.

Theo báo cáo của Sở KH&CN, giai đoạn 2006-2015, các huyện, thành phố triển khai 57 đề tài, dự án và 3 đề án nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng tiến bộ KH&CN. Nổi lên là huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Bắc đã ứng dụng hiệu quả mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, góp phần nâng cao giá trị đơn vị diện tích tăng thêm 20% so với sản xuất theo tập quán canh tác cũ.

Nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc) ứng dụng công nghệ tưới phun mưa vào sản xuất đậu phộng
đạt hiệu quả cao.

Mô hình trồng lúa nước gieo sạ theo hàng triển khai tại xã Phước Thắng (Bác Ái) vào năm 2011, đến nay đã có tác dụng làm tăng năng suất, giải quyết được khâu lương thực ở khu vực đồng bào Raglai. Một số đề tài chuyển giao mô hình luân canh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở những khu vực khô hạn đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo đất, nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho nông dân. Đơn cử như từ việc phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình luân canh cây trồng cạn bắp lai vụ đông-xuân, đậu xanh vụ hè-thu tại xã Công Hải” đã giúp nông dân khai thác hàng chục ha đất thiếu nước đưa vào sản xuất có hiệu quả.

Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Hoạt động KH&CN cấp huyện, thành phố những năm gần đây có bước phát triển ở tầm cao mới đó là nhờ công tác quản lý nhà nước về KH&CN được chú trọng, nhất là chất lượng đội ngũ cán bộ làm khoa học được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN được lãnh đạo các huyện, thành phố quan tâm đề xuất thực hiện sát với thực tế ở địa phương. Nhiều nơi như Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, huyện Ninh Sơn, Ninh Hải… đã linh động bố trí vốn hỗ trợ hoạt động quản lý và triển khai đề tài, dự án cấp cơ sở. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, phòng Kinh tế Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã được cấp hơn 600 triệu đồng; trong đó, nguồn sự nghiệp kinh tế thành phố chiếm 79% để triển khai 5 mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN trên địa bàn.

Trên thực tế, việc tăng hàm lượng KH&CN trong một số mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh đã chứng minh được hiệu quả vượt trội, cho thấy vai trò không thể thiếu của KH&CN trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Tuy vậy, hoạt động KH&CN cấp huyện, thành phố giai đoạn này còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Cụ thể, nhận thức, năng lực ứng dụng KH&CN của Nhân dân không đồng đều, đặc biệt là bà con vùng sâu, vùng xa, nên một số đề tài, dự án chưa được áp dụng một cách sâu rộng. Đầu tư về nhân lực, vật lực, tài chính cho công tác KH&CN cơ sở còn ít, chưa tương xứng với vị trí, vai trò và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong khi đó, trình độ chuyên môn, tiếp cận công nghệ của cán bộ địa phương còn thấp, đội ngũ làm công tác triển khai KH&CN trên địa bàn các huyện còn mỏng, kiêm nhiệm nhiều công việc.

Nhằm góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho các loại cây trồng, vật nuôi, hoạt động KH&CN giai đoạn 2016-2020 chú trọng lĩnh vực chuyển giao các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn, phục tráng các loại cây con đặc sản của địa phương. Theo đồng chí Lê Kim Hùng, để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới cần tập trung khắc phục nhận thức chưa đầy đủ về vai trò KH&CN cơ sở. Phải coi nhiệm vụ KH&CN là một phần quan trọng không thể thiếu trong tiến trình hội nhập, từ đó đưa ra cơ chế chính sách thu hút đầu tư thích hợp. Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận công nghệ cho cán bộ đảm nhận tốt các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn.