Nhận diện và đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực kinh tế ở nước ta hiện nay

Trước những sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, các thế lực thù địch lại tăng cường chống phá cách mạng nước ta trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế. Vì vậy, chúng ta cần cảnh giác, chủ động nhận diện và đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn thâm độc, nguy hiểm của chúng là việc làm hết sức quan trọng, nhất là trước thềm Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Khối sĩ quan Phòng không - Không quân tại Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 40 năm
Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nguồn: qdnd.vn

Nghiên cứu âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực kinh tế, chúng ta bắt gặp không ít luận điểm tìm cách xuyên tạc, chống phá thể hiện trên nhiều góc độ, nội dung trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các loại hình sách, báo, phim ảnh, đào tạo cán bộ, giảng dạy kinh tế ở các trường đại học do chuyên gia nước ngoài thực hiện, chúng tìm cách xuyên tạc, phê phán, đòi xem xét lại những quan điểm, tư tưởng kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách kinh tế của Đảng với mục đích xóa bỏ nền tảng tư tưởng kinh tế ở Việt Nam, chuyển hóa nền kinh tế phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Chẳng hạn, để phủ nhận học thuyết kinh tế mác - xít, chúng tìm mọi cách xuyên tạc và xóa bỏ học thuyết giá trị thặng dư - “viên đá tảng” trong học thuyết kinh tế chính trị của C.Mác, chúng cho rằng, dưới chủ nghĩa xã hội sản xuất hàng hóa cũng bóc lột giá trị thặng dư. Trên cơ sở đó chúng tập trung công kích và phê phán mô hình kinh tế, xuyên tạc bản chất nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà ta đang xây dựng và phát triển; rằng công hữu nghĩa là vô chủ, là không của ai, không hiệu quả, là nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, khó khăn và nảy sinh các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Không chỉ công kích đường lối đổi mới kinh tế mà còn dùng sức ép kinh tế đòi thay đổi bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta khi chúng ta tham gia ký kết các hiệp định kinh tế khu vực và liên khu vực. Trên thực tế, thông qua các hoạt động đầu tư trực tiếp, gây áp lực kinh tế, chính trị, chúng đòi Việt Nam phải tư nhân hóa nền kinh tế, hạn chế vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, bởi theo chúng, kinh tế nhà nước là ung nhọt, là sân sau của những “nhóm lợi ích” cấp cao, là những tổ mối đục khoét của cải đất nước, để từ đó thúc đẩy khả năng chệch hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường, tự do hóa thị trường theo hướng kinh tế thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản. Bằng các hoạt động đầu tư, viện trợ, đào tạo…các thế lực thù địch cố tình tạo sự phát triển chênh lệch giữa các vùng, miền, các ngành kinh tế, sự mất cân đối của nền kinh tế quốc dân, đồng thời đặt ra những điều kiện ràng buộc về chính trị gắn với gây sức ép về chính trị để từng bước can thiệp nội bộ và tạo sự chuyển hóa theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Thông qua các hoạt động hợp tác, giao lưu kinh tế chúng tăng cường các hoạt động tình báo, hỗ trợ công tác đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, thu thập tin tức, tài liệu, lấy cắp các bí mật quốc gia, bí mật quân sự nhằm chống phá lâu dài cách mạng Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng còn dùng đồng tiền, vật chất để mua chuộc làm tha hóa một bộ phận cán bộ, đảng viên, tạo ra tâm lý hưởng thụ, lối sống thực dụng, từ đó làm mất uy tín đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Gần đây chúng còn thổi phồng, bóm méo thông tin về những khó khăn của nền kinh tế nước ta nhằm làm rối loạn thị trường và xã hội, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế bằng việc tung tin thất thiệt về các cán cân kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường chứng khoán...

Vì vậy, việc nhận diện và đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực kinh tế trong tình hình hiện nay ở nước ta hiện nay là một nhiệm vụ, hình thức đấu tranh đặc biệt quan trọng. Theo đó cần làm tốt một số nội dung sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Kiên quyết bác bỏ những quan điểm sai trái, phản động, cố tình phủ nhận, xuyên tạc những quan điểm cốt lõi, có tính nguyên tắc mà Đảng ta đã khẳng định trong quá trình lãnh đạo đất nước nói chung, công cuộc đổi mới nói riêng. Làm cho quần chúng thấy được tính ưu việt của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Các cơ quan, đơn vị đặc biệt là các học viện, nhà trường có giảng dạy nội dung kinh tế cần coi trọng, đẩy mạnh thông tin, định hướng kịp thời về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những tư tưởng kinh tế chính thống trong quần chúng nhân dân, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta bắt nguồn từ sự vận dụng trung thành và sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể ở nước ta. Tích cực và linh hoạt hơn trong cuộc đấu tranh trên lĩnh vực kinh tế, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; quan điểm nhất quán của Đảng về phát triển kinh tế nhiều thành phần, về đa dạng hóa các hình thức sở hữu. Nâng cao tinh thần cảnh giác, không để bị mắc mưu trước các luận điệu tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch.

Hai là, phát huy nội lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chống nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế để phát triển nhanh, bền vững. Chúng ta đều biết, nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ một điểm xuất phát thấp, lại chịu ảnh hưởng hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh, những năm gần đây luôn bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế là nguy cơ tiềm tàng và hiện thực. Vì vậy phải ra sức phát huy nội lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế mà tập trung vào các lĩnh vực chủ chốt như đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng là phương thức tốt nhất để chống lại có hiệu quả âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng khả năng chậm phát triển của nước ta để thực hiện “diễn biến hòa bình”.

Ba là, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Sau 30 năm đổi mới, nước ta đã thoát khỏi thế bao vây, cấm vận; chúng ta đã chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, trở thành thành viên của nhiều tổ chức kinh tế lớn trên thế giới, tích cực thúc đẩy và tham gia các thỏa thuận kinh tế, thương mại song phương và đa phương, trong khu vực và liên khu vực, có quan hệ thương mại với nhiều nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế, không phân biệt chế độ chính trị xã hội, đặc biệt với các nước lớn; điều này đã góp phần tạo thế và lực mới cho đất nước. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá ta quyết liệt hơn. Vì vậy, phải kiên trì thực hiện đường lối độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế đối ngoại nhằm thu hút vốn đầu tư, viện trợ phát triển, nâng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế, khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lý của các nước trên thế giới. Chủ động kết hợp chặt chẽ giữa mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại với bảo vệ an ninh và chủ quyền kinh tế của đất nước. Trong hoạt động kinh tế đối ngoại phải chú ý cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Việc qui hoạch phát triển các vùng, các ngành kinh tế, các khu công nghiệp, các hoạt động đầu tư có yếu tố nước ngoài không để gây tổn hại đến an ninh quốc gia và các khu vực phòng thủ của đất nước.

Bốn là, gắn kết chặt chẽ giữa đấu tranh chống hoạt động phá hoại kinh tế trong chiến lược “diễn biến hòa bình” với phòng chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh. Tham nhũng giống như vòi bạch tuộc hút máu cơ thể xã hội, làm mục ruỗng bộ máy công quyền ngay từ bên trong, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước, gây lên bức xúc trong xã hội. Bằng các thủ đoạn tung tiền giả, buôn lậu, các hoạt động kinh tế ngầm gây rối loạn thị trường để chúng tăng cường chống phá ta. Đặc biệt, chúng triệt để lợi dụng những hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong cơ chế thị trường như tham nhũng, lãng phí, hối lộ để mua chuộc, lôi kéo làm tha hóa một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhằm thực hiện cho mưu đồ của chúng là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong nội bộ của nước ta. Vì vậy, phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bảo đảm công khai, minh bạch trong các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật, các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, công tác điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng, hối lộ, bảo đảm cho nền kinh tế hoạt động đúng pháp luật.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam