TP. Phan Rang - Tháp Chàm: Triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả

(NTO) Góp phần thực hiện mục tiêu phát triển ngành Nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, năng suất, chất lượng, giúp nông dân nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống trong điều kiện đất sản xuất đang ngày càng bị thu hẹp trong quá trình đô thị hóa, thời gian qua, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã triển khai nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Ứng dụng “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa là một trong những mô hình được thành phố tích cực nhân rộng trong những năm qua. Chị Trương Thị Tố Trinh, Phó phòng Kinh tế thành phố, cho biết: “Mặc dù đã trở thành đô thị loại II, nhưng hiện có trên 40% người dân sống dựa vào nông nghiệp. Tổng diện tích gieo trồng toàn thành phố hiện còn 1.100ha, trong đó cây lúa chiếm diện tích khá lớn. Vì vậy, mô hình “1 phải, 5 giảm” được chính quyền địa phương quan tâm nhân rộng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cây lúa, cải thiện thu nhập cho bà con”.

 

Nông dân phường Văn Hải thực hiện mô hình rau an toàn.

Được triển khai thí điểm vào năm 2013, trên diện tích 10ha tại xã Thành Hải, với tổng kinh phí 258 triệu đồng (trong đó vốn hỗ trợ của UBND thành phố 89 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của bà con), đến nay mô hình đã được nhân rộng trên diện tích hơn 250ha, tập trung các phường Đô Vinh, Văn Hải, Mỹ Hải, Mỹ Bình và xã Thành Hải. Để giúp nông dân nhân rộng mô hình, ngoài hướng dẫn kỹ thuật, UBND thành phố còn hỗ trợ giống lúa cho một số địa phương, hỗ trợ 50% chi phí mua 25 máy sạ hàng cho nông dân tại các phường Đô Vinh, Văn Hải, Mỹ Bình và xã Thành Hải. Ông Thành Ngọc Sinh, Bí thư Chi bộ thôn Thành Ý, một trong những người tiên phong thực hiện mô hình, phấn khởi: Nhờ mô hình “1 phải, 5 giảm”, năng suất lúa của gia đình tăng lên nhiều, trung bình đạt từ 7,5-8 tấn/ha, cao hơn từ 1,5-2 tấn/ha so với phương pháp sản xuất truyền thống, lợi nhuận nhờ thế cũng cao hơn từ 5-6 triệu đồng.

Ngoài mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, từ sự hỗ trợ của các ngành, thành phố còn thực hiện nhiều mô hình nâng cao giá trị các cây trồng chủ lực khác như nho, táo, tỏi, măng tây xanh theo hướng an toàn. Điển hình là dự án sản xuất tỏi an toàn tại phường Văn Hải, với sự tham gia của 25 nông hộ trên diện tích 5ha, do Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp thực hiện. Tham gia dự án, ngoài được hỗ trợ một phần chi phí sản xuất, quan trọng hơn là bà con được hướng dẫn quy trình chăm sóc, sử dụng phân thuốc đúng cách, không chỉ thay đổi tư duy sản xuất, mà còn giúp cho cây trồng cho ra năng suất, chất lượng cao, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Trung bình mỗi vụ đạt 7,3 tấn/ha, tăng 1,2 tấn; lợi nhuận đạt trên 130 triệu đồng/ha, tăng hơn 37 triệu đồng so với phương pháp sản xuất truyền thống.

Bên cạnh các mô hình trồng trọt, thành phố cũng chú trọng triển khai các mô hình hỗ trợ chăn nuôi. Gần đây nhất là mô hình “Ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi” được thực hiện vào tháng 8-2015, có 4 hộ tham gia trên diện tích 1.000m2, với tổng kinh phí gần 164 triệu đồng. Theo phương pháp này, các hộ nuôi gà đầu tư chi phí mua trấu, mùn cưa, trộn với men vi sinh để làm đệm lót chăn nuôi gà thay vì để sàn trơn hoặc chỉ lót mùn cưa, trấu như trước đây. Anh Lê Cảnh Phương, phường Phước Mỹ, hộ tham gia dự án, cho biết: Bước đầu áp dụng, tôi đã thấy hiệu quả mô hình mang lại. Không chỉ giúp giải quyết được vấn đề môi trường do chất thải từ vật nuôi gây ra, mà còn ngăn ngừa một số bệnh đường ruột thường gặp trên vật nuôi, qua đó giảm đáng kể chi phí như thuê công vệ sinh chuồng trại, thuốc chữa bệnh cho gà…

Có thể khẳng định, từ các mô hình trên đã góp phần tích cực giúp người dân tiếp cận kỹ thuật mới, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng lợi nhuận, cải thiện đời sống cho nhiều nông hộ. Đặc biệt, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như nho, táo, tỏi, măng tây xanh… đang dần hình thành thương hiệu trên thị trường cả nước. Tuy nhiên, theo chị Trương Thị Tố Trinh, bên cạnh những kết quả đạt được, việc nhân rộng các mô hình còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nông hộ chưa mạnh dạn, tích cực thay đổi tập quán canh tác truyền thống. Đối với mô hình “1 phải, 5 giảm” do diện tích đất sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nên tốc độ nhân rộng chưa đạt như mong muốn. Nhiều mô hình mặc dù giá trị kinh tế cao nhưng vốn đầu tư lớn nên bà con nông dân còn gặp khó khăn.

Những năm tiếp theo, thành phố xác định tiếp tục phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, thành phố tập trung làm tốt công tác quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung tại các địa phương: Đô Vinh, Phước Mỹ, Văn Hải, Thành Hải; đồng thời, tích cực phối hợp với ngành chức năng chuyển giao và ứng dụng khoa học-kỹ thuật, nhân rộng các mô hình hiệu quả, trong đó hướng đến những mô hình sản xuất sản phẩm sạch, chất lượng. Phấn đấu nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác đến năm 2020 đạt 250 triệu đồng/ha/năm.