Thăm vườn lan xứ nắng

(NTO) Một lần vào thăm vườn hoa lan của vợ chồng chị Phạm Thị Nhung (thôn Thủy Lợi, xã Tân Hải, Ninh Hải), tôi ngỡ ngàng vì màu sắc rực rỡ của những nhánh lan đang bung nở. Qua tìm hiểu, tôi lại càng ngưỡng mộ hơn ý chí, cùng quyết định “táo bạo” của vợ chồng “hai lúa” mạnh dạn đầu tư trồng lan trên mảnh đất đầy nắng và gió này.

Vợ chồng chị Nhung là nông dân “thứ thiệt”. Hằng ngày, anh lo việc đồng áng, chăn nuôi, còn chị thì kiếm thêm "đồng ra đồng vào" với gánh chè nhỏ. Vốn là người rất thích hoa, trong một lần ghé nhà chị họ ở huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), chị Nhung mê mẩn vẻ đẹp của những nhánh lan. Được chị họ động viên, chị nung nấu ước mơ và quyết định xây dựng vườn lan. Cuối năm 2012, với mảnh đất 1.000m2 trồng lúa trước đây, vợ chồng chị san bằng, cải tạo để xây dựng lán trại, mua sắm dụng cụ, nguyên vật liệu. Vườn được thiết kế theo kiểu nhà lưới, các tầng lưới có tác dụng chống ánh nắng mặt trời, tránh mưa gió, hoa lan được trồng trực tiếp dưới đất theo từng lô. Loại lan chủ yếu chị chọn là lan Mocara, xuất xứ từ Thái Lan, vì loại lan này thích hợp với thời tiết nắng và gió ở tỉnh ta, ngoài ra có thêm ít loại: đenro, hồ điệp… Tổng giá trị đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng. Nói về số vốn “khổng lồ”, chị Nhung chia sẻ: Vợ chồng nông dân, không có nhiều tiền như vậy. Số tiền đó là gom góp từ việc dành dụm, vay mượn bạn bè, thế chấp nhà cửa, đất đai để vay ngân hàng. Lúc đầu tư, không nghĩ là vốn nhiều đến thế. Nhưng lỡ “đâm lao thì phải theo lao”, không thể bỏ giữa chừng được.

 
Mỗi ngày, chị Phạm Thị Nhung đều tự tay chăm sóc, cắt tỉa cho từng cây lan của mình mà chẳng phải thuê nhân công.

Lan là một loại hoa khó trồng, đòi hỏi kỹ thuật, sự cẩn thận và tỉ mỉ, nhờ sự giúp đỡ của chị họ, cùng với sự cần cù, siêng năng mà vợ chồng chị Nhung dần nắm được kỹ thuật. Chị cho biết: Lúc đầu, tôi rất lo lắng vì có một số cây bị bệnh, sau khi nắm rõ cách chăm sóc và phòng tránh bệnh, chúng tôi đã khắc phục được. Điều quan trọng trong kỹ thuật trồng lan Mocara là phải giữ độ ẩm hợp lý, vì vậy, gia đình đầu tư hệ thống phun sương tự động cho vườn lan.

Khó khăn lại đến với vợ chồng khi những nhánh lan đầu tiên chị cắt đem bán, chào hàng thì không ai mua hoặc mua với giá thấp vì hoa nhỏ. Qua thời gian, sự cần cù của chị được bù đắp, lan ngày càng nở đẹp hơn và được nhiều người biết đến hơn. Thay vì phải đặt hàng trên Đà Lạt, chỉ cần các chủ cửa hàng gọi điện, trong vòng nửa tiếng sẽ có những nhánh lan tươi, đẹp vừa cắt giao đến tận nơi, nên họ rất thích. Nhiều shop hoa, cửa hàng hoa tại các chợ trong Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đều là “bạn hàng” của chị.

Được biết, gia đình chị là hộ đầu tiên trên miền đất nắng trồng thành công giống lan này. Hiện nay, 4.600 cây lan của gia đình phát triển rất tốt và đã thu hoạch được nhiều lứa và đang mọc cây con. Với những cây con này, chị dùng làm giống, cùng với diện tích sẵn có, vợ chồng chị mở rộng thêm 1.600m2 nữa, tổng diện tích tăng lên 2.600m2. Đã có đầu ra ổn định, ngày nào cũng có hoa cung ứng thị trường. Hiện tại, giá lan các loại là từ 8.000-20.000/cành, vào các dịp lễ, tết sẽ có giá cao hơn, dao động khoảng 20.000-30.000 đồng/cành, trừ các chi phí, trung bình một tháng chị có lãi hơn 20 triệu đồng, đến nay, gia đình đã trả được phần nào số tiền vay mượn. Điều mà người dân xung quanh ngưỡng mộ vợ chồng chị Nhung là với hơn 4.600 gốc lan trong vườn, anh chị tự làm tất cả chứ không thuê nhân công. “Làm riết rồi quen, chăm sóc lan phải nhẹ nhàng, thuê nhân công sợ họ không làm được. Mọi chuyện lớn nhỏ hai vợ chồng cùng làm”-nhìn những nhánh lan đang bung nở, chị nói.

Tin rằng vườn lan của vợ chồng chị Nhung sẽ vươn lên mạnh mẽ, rực rỡ trên vùng đất nắng và gió…