kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2015):

Nông dân tỉnh nhà phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nông thôn mới

(NTO) Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 85 năm qua, giai cấp nông dân Việt Nam luôn gắn bó chặt chẽ với vận mệnh của đất nước, của dân tộc, chiến đấu vinh quang, lao động sáng tạo vì mục tiêu giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguyễn Văn Ngọt
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang đó, nông dân Ninh Thuận luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh, xứng đáng là lực lượng đi đầu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM).

Những năm qua, tổ chức Hội Nông dân không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 63.000 hội viên, đạt tỷ lệ 82% so với hộ nông nghiệp, đạt 47,07% so với lao động nông nghiệp. Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26-NQ/TW, Kết luận 61-KL/TW ngày 3-12-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Hội, Tỉnh ủy, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng chương trình hành động, quán triệt đến các cấp hội và được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo hội viên, nông dân. Phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM, nông dân tỉnh nhà hăng hái tham gia các phong trào thi đua, trọng tâm là 3 phong trào lớn như: “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Phong trào xây dựng NTM” và “Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng-an ninh” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Nhãn hiệu "Tỏi Phan Rang" được cấp bằng bảo hộ sản phẩm, mở ra triển vọng phát triển cho nông dân tỉnh nhà.
Trong ảnh: Nông dân xã Thanh Hải (Ninh Hải) thu hoạch tỏi vụ đông - xuân. Ảnh:TL

Trên cơ sở chương trình liên tịch ký kết với các sở, ngành, đơn vị, Hội Nông dân đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên, nông dân trong phát triển sản xuất. Hội đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội tín chấp cho hơn 42.600 hộ nông dân vay vốn, với tổng dư nợ hơn 900 tỷ đồng. Ngoài ra, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội còn giải ngân trên 20,292 tỷ đồng thông qua 90 dự án cho 968 lượt hộ vay, giúp hội viên phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Trong giai đoạn 2010-2015, Hội phối hợp với ngành chức năng mở 51 lớp dạy nghề cho 1.634 lao động nông thôn; tuyên truyền về công tác dạy nghề lao động nông thôn cho trên 15.000 lao động nông thôn; tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho 244.800 lượt hội viên nông dân; chuyển giao nhiều mô hình, dự án khoa học-công nghệ có tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng ứng dụng vào sản xuất, đời sống như: “Xây dựng mô hình trồng măng tây theo hướng VietGAP” tại xã An Hải (Ninh Phước), phường Văn Hải và Phước Mỹ (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm); Dự án xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Táo Ninh Thuận”, “Tỏi Phan Rang” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng chứng nhận bảo hộ; Dự án xây dựng mô hình điểm “Hội Nông dân thu gom, phân loại rác thải và bảo vệ môi trường nông thôn” tại xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn); ứng dụng mô hình tưới tiết kiệm cho hộ nông dân nghèo Nam Trung Bộ tại Ninh Thuận; “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, “Sản xuất rau an toàn”... góp phần tích cực giúp hội viên nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, mở ra hướng làm ăn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cùng với các hoạt động hỗ trợ giúp nông dân phát triển sản xuất, Hội thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cơ sở và cán bộ, hội viên về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các cấp Hội còn tham gia vận động bà con hiến đất, góp công, góp của xây dựng đường giao thôn nông thôn, đường nội đồng, nạo vét kênh mương, xây dựng nhà ở cho hội viên nghèo, tham gia bảo vệ an ninh trật tự... tạo nên sức mạnh thi đua xây dựng NTM lan tỏa trong toàn tỉnh. Vai trò chủ thể của hội viên nông dân được nâng lên, đời sống nông dân từng bước được cải thiện, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của tổ chức Hội trong phong trào “Nông dân tham gia xây dựng NTM”.

Phát huy những kết quả đạt được trong xây dựng NTM tại địa phương trong thời gian qua, cùng với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đề ra một số nội dung thực hiện trong thời gian tới, đó là: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân về vai trò chủ thể, tiếp tục chủ động, đi đầu trong thực hiện xây dựng NTM. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có uy tín. Từ đó làm tốt công tác tham mưu cho cấp trên, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình công tác của Hội và của địa phương. Khai thác hiệu quả các nguồn lực; triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước theo hướng tập trung về cơ sở, với những nội dung cụ thể thiết thực và gần gũi với hội viên nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, hội viên nông dân trong tham gia xây dựng NTM tại địa phương. Ngoài ra, Hội sẽ đề xuất, kiến nghị với Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện mở rộng dự án tưới nước tiết kiệm trong 5 năm, với kinh phí 2 tỷ đồng/năm gắn với mô hình trồng cỏ kết hợp chăn nuôi; đồng thời có chính sách hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng VietGAP để một số sản phẩm đặc thù của địa phương như nho, táo, tỏi, dê, bò, cừu trở thành sản phẩm chủ lực, mở ra hướng đi mới trong sản xuất, dễ dàng tìm đầu ra sản phẩm, tăng lợi nhuận, thu nhập.

Tin rằng với sự quyết tâm, đoàn kết, thống nhất của toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân, Hội Nông dân tỉnh sẽ thực hiện tốt các giải pháp, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, xứng đáng là lực lương tiên phong đi đầu trong xây dựng NTM.