Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển

(NTO) Qua 5 năm thực hiện Quyết định số 1231/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) phát triển. Nhờ vậy, đến nay hoạt động của cộng đồng DNNVV trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều khởi sắc cả về quy mô số lượng và ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

Đồng chí Trương Văn Tiến, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), cho biết: Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 1.272 DN đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới, với tổng vốn trên 8.230 tỷ đồng, nâng tổng số DN đang hoạt động đến nay lên 2.094 DN, với tổng vốn đăng ký 14.574 tỷ đồng. Nhìn chung, các DN hoạt động khá ổn định và từng bước khẳng định được vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Không những vậy, trung bình mỗi năm các DNNVV còn đóng góp vào nguồn thu ngân sách của địa phương chiếm đến trên 65% phần thu nội địa và giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 22.000 lao động của tỉnh.

Nhà máy Sản xuất khăn bông Quảng Phú hoạt động hiệu quả góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Ảnh: Văn Miên

Để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh, những năm gần đây, tỉnh ta còn ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết hỗ trợ tài chính, tín dụng; hỗ trợ đổi mới, nâng cao năng lực, trình độ kỹ thuật và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho DN. Nhờ đó, sau khi đăng ký thành lập, hầu hết các DN đều hoạt động có hiệu quả và chấp hành tốt các quy định của Luật Doanh nghiệp. Tính đến hiện nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cấp vốn vay cho các DN với tổng số tiền trên 177,1 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV tỉnh đã ký hợp đồng bảo lãnh cho 69 DN vay vốn, với tổng giá trị trên 207,7 tỷ đồng; Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Ninh Thuận đã phát hành 18 chứng thư bảo lãnh cho 13 DN, với tổng giá trị bảo lãnh trên 253,5 tỷ đồng. Một số chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế cho DN theo các Nghị quyết của Chính phủ cũng được tỉnh ta chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời, với tổng số tiền đã thực hiện trên 125,7 tỷ đồng. Qua đó, góp phần giúp các DNNVV trên địa bàn tỉnh giảm bớt một phần khó khăn về tài chính để tiếp tục duy trì phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Điểm đáng chú ý là trong tổng số các DN kể trên, đến nay có 211 DN đã được tỉnh giao đất, cho thuê đất, với tổng diện tích 1.360 ha; trong đó, có 9 DN được miễn tiền thuê đất với diện tích 8 ha; 10 DN được giao đất có thu tiền sử dụng đất với diện tích 49 ha và 192 DN thuê đất nộp tiền thuê đất hàng năm với diện tích 1.303 ha. Bên cạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho DN, tỉnh ta còn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận thông tin về thị trường, giới thiệu sản phẩm và quảng bá thương hiệu thông qua các hội chợ thương mại và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Với mục tiêu đến năm 2020, số DN đăng ký thành lập mới tăng bình quân từ 13-15%/năm, tăng gấp 1,7 lần so với năm 2015; tỷ lệ thu ngân sách từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối DNNVV chiếm khoảng 68-70% trên tổng số thu nội địa và tổng giá trị gia tăng của khu vực DN chiếm từ 28 – 30% GDP của tỉnh, cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2235/KH-UBND tiếp tục hỗ trợ DNNVV, giai đoạn 2016 – 2020. Nội dung của kế hoạch tập trung vào 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của DN; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho DN; Hỗ trợ DN tiếp cận về tín dụng, về khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, khuyến khích phát triển DNNVV khu vực nông thôn; đẩy mạnh công tác trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức giúp DNNVV phát triển.

Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế của ngành và địa phương, nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, sát với nhu cầu của DN, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động của DN, đóng góp ngày càng cao vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.