Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 10-10

* Sự kiện

- Ngày 10-10-1427: Chiến thắng Chi Lăng (Lạng Sơn), Lê Lợi đại phá quân Minh xâm lược. Chi Lăng là một cửa ải hiểm yếu nằm trên đường từ Lạng Sơn về Đông Quan. Ngày 10-10-1427, hơn 10 vạn quân tiếp viện của nhà Minh đã lọt vào trận địa mai phục của quân ta và bị tiêu diệt gọn. Tướng nhà Minh là Liễu Thăng bị chém chết bên sườn núi Mã Yên. Chiến thắng Chi Lăng là chiến thắng oanh liệt, là dấu son trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta.

- Ngày 10-10-1923: Tại Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, đồng chí Nguyễn Ái Quốc phát biểu: “Nông dân trong các thuộc địa của Pháp bị hai tầng bóc lột: vừa như những người vô sản, vừa như những người bị mất nước... Thưa các đồng chí, khi các đồng chí được tổ chức lại, các đồng chí cần phải nêu gương cho chúng tôi, giúp đỡ chúng tôi, dang rộng cánh tay anh em đón chúng tôi, để chúng tôi cũng có thể bước vào gia đình vô sản quốc tế”.

- Ngày 10-10-1942: Báo Cờ giải phóng, cơ quan của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, ra số đầu tiên. Trong số những tờ báo cách mạng trước năm 1945, đặc biệt trong giai đoạn 1942-1945, Cờ giải phóng là một trong những tờ báo cách mạng thành công nhất, xét cả về nội dung và hình thức. Tờ báo do Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách.Mặc dù phương châm của tờ báo là “Phải viết sắc, gọn và thật ngắn, không thừa chữ và câu văn phải để người nông dân cũng hiểu được”, nhưng chính Cờ giải phóng lại là bước tiến dài của thể loại chính luận báo chí của Đảng.Cờ giải phóng có những cây bút xuất sắc của đội ngũ làm báo Đảng như: Trường Chinh, Lê Quang Đạo, Hoàng Tùng… Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đích thân viết một loạt bài cho chuyên mục “Muốn hiểu chủ nghĩa cộng sản” đăng liên tục từ số 17 đến số 22.Số cuối cùng của tờ báo ra ngày 18-11-1945.

- Ngày 10-10-1954: Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng. Sáng 10-10, Đoàn xe đầu tiên tiến vào thành phố… tiếp đó là cánh quân phía Tây; cánh quân phía Nam; Đoàn cơ giới và pháo binh... lần lượt tiến vào.15 giờ ngày 10-10, còi Nhà hát thành phố nổi lên một hồi dài, hàng chục vạn người dân đổ về Sân vận động Cột Cờ để nghe Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Vương Thừa Vũ đọc “Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng” của Bác Hồ: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hoà bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!”. Trong suốt hơn 60 năm qua, Đảng bộ, quân và dân Thủ đô đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, đoàn kết một lòng, đương đầu với mọi thử thách khốc liệt, xây dựng Hà Nội thành thành phố anh hùng, thành phố vì hòa bình, trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học của cả nước.

- Ngày 10-10-1963: Tổng đội Thanh niên xung phong bắt tay vào xây công trình Đại thủy nông Nậm Rốm (Điện Biên). Cách đây 52 năm, nghe theo lời kêu gọi của Đảng, không ngại khó, ngại khổ, hơn 2.000 thanh niên từ các tỉnh, thành: Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Thái Bình… đã hăng hái tiếp bước Bộ đội Cụ Hồ lên với Điện Biên để bắt tay xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm.Trong suốt gần 7 năm (1963-1969) xây dựng công trình, đội thanh niên xung phong đã gặp không ít khó khăn nhưng với tinh thần quyết tâm cao, lực lượng TNXP đã xây đắp lên các công trình bê tông cốt thép vĩ đại như: Đập dâng nước Đại thủy nông Nậm Rốm, hệ thống cầu, máng nối liền với gần 40 km kênh cấp 1. Các hạng mục công trình này đến nay vẫn đảm bảo tính bền vững, đưa nước về tưới tiêu cho cánh đồng Mường Thanh. Năm 2010, Tổng đội TNXP công trình Đại thủy nông Nậm Rốm đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “AHLLVT trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

* Nhân vật

- Ngày 10-10-1911: Ngày sinh nhà ngoại giao tài ba Lê Đức Thọ. Đồng chí Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải, quê ở xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định). Ông nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một lãnh đạo giàu kinh nghiệm của Đảng và Nhà nước. Trong lĩnh vực ngoại giao, tên tuổi đồng chí Lê Đức Thọ gắn liền với cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ ở Paris, kết thúc với việc ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đồng chí mất ngày 13-10-1990, tại Hà Nội.

Theo TTXVN