Thuận Bắc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế

(NTO) Năm 2015 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, giai đoạn 2011–2015 và là tiền đề để phát triển cho những năm tiếp theo. Do vậy, ngay từ đầu năm, huyện Thuận Bắc đã chỉ đạo rốt ráo cho các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ từ việc xây dựng kế hoạch cụ thể, đến các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra. Nhờ đó, nếu nhìn một cách tổng thể về bức tranh kinh tế của huyện 9 tháng cho thấy, đã có nhiều nét tươi sáng, nhất là các ngành công nghiệp–xây dựng và thương mại–dịch vụ đã đạt chỉ số tăng trưởng khá cao, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất các ngành trên địa bàn huyện đạt 1.549 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm đáng chú ý là từ đầu năm đến nay, dù phải đối mặt với không ít khó khăn do nắng hạn kéo dài gây ra, nhưng với tinh thần chủ động, địa phương đã triển khai các giải pháp chống hạn kịp thời, như: Điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp, thực hiện điều tiết nước nước hợp lý, hỗ trợ Nhân dân sửa chữa, đào mới 104 giếng nước, 15 ao chứa nước để bơm chuyền chống hạn cho cây trồng và phục vụ chăn nuôi gia súc. Nhờ đó, nhiều địa phương vẫn duy trì được sản xuất, với tổng diện tích gieo trồng 2.604ha, sản lượng lương thực đạt 11.470 tấn. Các mô hình chăn nuôi bò, dê, cừu, heo trên địa bàn cũng phát triển, với tổng đàn hiện có trên 52.700 con.

 
Trung tâm huyện Thuận Bắc.

Về phát triển công nghiệp, ngoài một số nhà máy đã đi vào hoạt động tạo nguồn thu ổn định như: Nhà máy Ximăng Luks, Nhà máy chế biến đá Granite..., địa phương còn có nhiều dự án tiềm năng như: Trạm Nghiên cứu thực nghiệm giống dê, cừu; Dự án khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao; Trạm Cung ứng nhiệt liệu khí; Dự án điện gió... đang trong giai đoạn triển khai. Đặc biệt, trong 9 tháng, các sản phẩm mới như sản xuất bao bì và chế biến rong sụn của Nhà máy Rau câu Sơn Hải đã phát huy năng lực sản xuất mới, góp phần đưa giá trị sản xuất ngành công nghiệp–xây dựng trên địa bàn đạt 943 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.

Trước yêu cầu của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ đầu năm đến nay, huyện Thuận Bắc đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu dân cư và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển hệ thống thủy lợi theo hướng kiên cố hóa. Qua rà soát, đánh giá, thẩm định, đến nay, xã Công Hải được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới; các xã còn lại đều đạt từ 6 đến 11 tiêu chí. Dự kiến đến cuối năm, địa phương phấn đấu có thêm xã Bắc Phong được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới...

Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng đó vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, nhất là các lĩnh vực kinh tế có năng lực mới mang tính đòn bẩy cho sự tăng trưởng của địa phương trong những tháng cuối năm không nhiều. Trong khi đó, áp lực tăng tốc để đạt chỉ số tăng trưởng cho địa phương trong 3 tháng còn lại là rất lớn. Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Chủ tịch UBND huyện, chia sẻ: Để giải “bài toán” tăng trưởng nền kinh tế, hướng đến mục tiêu phải đạt tốc độ tăng trưởng không dưới 15,1%, ngay sau thành công của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, nhiệm kỳ 2015–2020, huyện Thuận Bắc đã đề ra giải pháp và quyết tâm cao để cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết trở thành hiện thực trong cuộc sống. Trước mắt, từ nay đến cuối năm, chủ trương của huyện là tập trung cho công tác chống hạn, với tinh thần không để dân đói, thiếu nước sinh hoạt. Cùng với đó, huyện tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch ngành trồng trọt để chuyển dịch mạnh mẽ hơn nữa cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển mạnh các cây trồng sử dụng ít nước, đồng thời đầu tư hệ thống thủy lợi phù hợp với phương pháp tưới tiết kiệm nước ở những vùng sản xuất cây trồng cạn, cây công nghiệp, cây ăn quả tập trung...

Về lâu dài, huyện đề nghị tỉnh tiếp tục thúc đẩy các dự án lớn trên địa bàn như: Khu công nghiệp Du Long, Khu du lịch Bình Tiên, Ganessa Phước Chiến và một số dự án khác đã có chủ trương đầu tư. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh bằng việc thực hiện tốt các chính sách ưu tiên đối với địa bàn. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và các chương trình để đầu tư nhiều hạng mục trên các lĩnh vực: Giao thông, thủy lợi, điện chiếu sáng... cho các địa phương theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, địa phương chú trọng đến việc đào tạo, bố trí cán bộ phù hợp; thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý đất đai và nhiều giải pháp cụ thể để tạo bước chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực giáo dục–văn hóa; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.