Dệt may không chủ quan trước cơ hội TPP mang đến

Dệt may là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam tận dụng được nhiều lợi thế khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Tuy nhiên, các “ông lớn” của ngành dệt may vẫn không chủ quan trước những ưu đãi này.

Số liệu thống kê cho thấy, 7 tháng năm 2015, xuất khẩu (XK) dệt may của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khả quan với kim ngạch 12,56 tỉ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nước đang đàm phán Hiệp định TPP đang chiếm 65% tổng kim ngạch XK dệt may, trong đó, đứng đầu về nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam là Mỹ, sau đó đến Nhật Bản, Canada, Australia, Chile, Mexico, Singapore…

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong số các ngành hàng, dệt may là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam tận dụng được nhiều lợi thế khi TPP có hiệu lực, chỉ riêng Mỹ đã chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu, Nhật Bản chiếm 11%.

“Để có được những lợi ích từ TPP, ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với những thách thức nhất định về quy tắc xuất xứ, vấn đề cắt giảm thuế và khả năng cạnh tranh lâu dài”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, đồng thời là Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam cho biết.

Hiện, dệt may đang chịu khoảng 1.600 dòng thuế, thì có tới 1.000 dòng thuế từ Mỹ.

Như vậy, khi TPP được ký kết và có hiệu lực, khoảng 1.000 dòng thuế nhập khẩu dệt may sẽ cắt giảm dần về 0%, thay vì 17-20% như hiện nay. Các doanh nghiệp (DN) đã tính toán, khả năng tăng trưởng XK của hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ sẽ tăng lên mức 15%/năm, gần gấp đôi so với mức 7-8%/năm hiện tại.

Hầu hết thuế quan sẽ được gỡ bỏ ngay lập tức

Theo nội dung của Hiệp định TPP, 12 nước tham gia TPP đều nhất trí xóa bỏ thuế quan đối với ngành hàng dệt may - ngành công nghiệp giữ vai trò chủ lực của Việt Nam.

Cụ thể, hầu hết thuế quan sẽ được xóa bỏ ngay lập tức, mặt dù thuế quan đối với một số mặt hàng nhạy cảm sẽ được xóa bỏ với lộ trình dài hơn do các bên thống nhất.

Chương về dệt may cũng bao gồm các “quy tắc xuất xứ” cụ thể yêu cầu việc sử dụng sợi và vải từ khu vực TPP - điều này sẽ thúc đẩy việc thiết lập các chuỗi cung ứng và đầu tư khu vực trong lĩnh vực này, cùng với cơ chế “nguồn cung thiếu hụt” cho phép việc sử dụng một số loại sợi và vải nhất định không có sẵn trong khu vực.

Bên cạnh đó, chương này còn bao gồm các cam kết về hợp tác và thực thi hải quan nhằm ngăn chặn việc trốn thuế, buôn lậu và gian lận, cũng như cơ chế tự vệ đặc biệt đối với dệt may để đối phó với thiệt hại nghiêm trọng, hoặc nguy cơ bị thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước trong trường hợp có sự gia tăng đột biến về nhập khẩu.

Quy tắc xuất xứ từ sợi - cơ hội hay thách thức?

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về việc tận dụng những cơ hội của TPP với ngành dệt may, bà Nguyễn Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, hiện đối với May 10 thì Hiệp định TPP mang lại cơ hội và thách thức như nhau.

Ảnh minh họa.

“TPP yêu cầu áp dụng quy tắc xuất xứ từ sợi sẽ làm tăng các áp lực cho DN Việt Nam về nền công nghiệp phụ trợ, buộc các DN phải “cứng” trên thị trường của mình để không bị phụ thuộc. Chúng ta phải tập trung con người, đầu tư công nghệ và đầu tư thời gian để nghiên cứu để tự sản xuất ra sản phẩm của mình.

Nếu chúng ta không làm được điều này thì TPP sẽ là thách thức không hề đơn giản, nếu chủ quan, ta sẽ thua ngay trên sân nhà chứ không nói đến XK”, bà Nguyễn Thanh Huyền nói.

Còn bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam lại cho rằng, thách thức lớn nhất mà ngành dệt may đang đối mặt là đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi. Bởi lâu nay Việt Nam mới chỉ phát triển được phần may chứ phần dệt và nhuộm còn rất yếu kém. Đây cũng là tình trạng chung của các nước đang phát triển như Lào, Campuchia...

“Hiện nay, Việt Nam đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào dệt, nhuộm nhưng không hi vọng đáp ứng được 100%. Chúng ta chỉ hi vọng dệt nhuộm lớn dần lên, đáp ứng yêu cầu xuất xứ hưởng lợi từ TPP”, bà Đặng Phương Dung chia sẻ.

Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may cho biết, hiện các DN dệt may đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc (quốc gia chưa gia nhập TPP) nên sau khi TPP có hiệu lực các DN sẽ phải chuyển sang nhập khẩu nguyên liệu từ các nước TPP để được hưởng lợi về quy định xuất xứ.

"Tuy nhiên giá nhập khẩu có thể cao hơn do vậy DN cần tự cân đối việc giá nguyên liệu tăng và việc hưởng lợi từ thuế quan về 0% để có sự điều chỉnh”, bà Đặng Phương Dung nhấn mạnh.

Nguồn www.chinhphu.vn