Sử dụng Graph vào dạy học văn học sử

(NTO) Lý thuyết Graph còn được gọi là lý thuyết sơ đồ. Khi mới xuất hiện, Graph là một thuật ngữ toán học, nhưng đến thời điểm hiện nay, nó được sử dụng rộng rãi và trở thành một tên gọi chung, khá quen thuộc của nhiều ngành khoa học. Trong tiếng Anh, Graph có nghĩa là sơ đồ, đồ thị; mạng, mạch.

Để thực hiện được biện pháp sơ đồ hóa kiến thức trong giờ văn học sử, yêu cầu học sinh phải có kỹ năng thiết lập sơ đồ ở một trình độ nhất định. Kỹ năng này thực sự cần thiết không chỉ đối với phần văn học sử, các môn học và cả khi tham gia vào cuộc sống xã hội. Vì vậy, việc giới thiệu cho học sinh kỹ thuật lập sơ đồ phải được tiến hành ngay từ đầu năm học và phải rèn luyện trong suốt quá trình học. Hình thức rèn luyện thực hiện theo trình tự từ việc giới thiệu, hướng dẫn, rồi qua các bài học bằng biện pháp sơ đồ hóa trên lớp và hệ thống bài tập rèn luyện của giáo viên, các em sẽ được hình thành và nâng cao kỹ năng tạo lập và sử dụng bản đồ - một công cụ, phương tiện học tập hữu hiệu.

Minh họa giờ học văn học sử trong chương trình Ngữ văn 11 bằng biện pháp Graph, giáo viên hướng dẫn các em thực hiện theo các bước cụ thể như sau:

Bước 1: Hướng dẫn học sinh đọc văn bản văn học sử sách giáo khoa Ngữ văn 11 để tìm chủ đề và các luận điểm chính của bài học. Các bài văn học sử trong chương trình Ngữ văn 11, chủ đề được thể hiện ngay ở nhan đề của bài học. Chẳng hạn: Tác gia Nguyễn Đình Chiểu; Tác gia Nguyễn Khuyến; Khái quát văn học Việt Nam từ đầu thế kì XX đến Cách mạng tháng Tám – 1945… Lưu ý học sinh chú ý đến hệ thống đề mục của bài học để xác định hệ thống luận điểm, trên cơ sở đó tiếp tục xác định hệ thống luận cứ, luận chứng. Có thể xác định chủ đề, hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng bằng hệ thống câu hỏi như:

- Em hãy nêu chủ đề của văn bản vừa đọc?

- Với chủ đề… thì tác giả sách giáo khoa đã trình bày những luận điểm/nội dung chính nào?

- Với luận điểm/nội dung… thì tác giả sách giáo khoa đã trình bày những luận cứ, luận chứng nào?

Khi đã xác định được chủ đề, luận điểm, luận cứ, luận chứng, yêu cầu học sinh tô đậm hoặc gạch chân trong sách giáo khoa hoặc có thể viết ra giấy.

Bước 2: Viết tên chủ đề ở trung tâm sơ đồ. Tên chủ đề phải được thể hiện nổi

bật bằng cách viết hoa, tô đậm, sử dụng màu sắc riêng biệt. Chủ đề được viết hoặc có thể vẽ một hình ảnh phản ánh chủ đề.

Ví dụ: Từ chủ đề được xác định ở phần trên, các em cho biết chủ đề đó gợi cho các em hình ảnh nào? Hoặc có thể thay thế tên chủ đề bằng một hình ảnh nào đó mà em cho là phù hợp?

Bước 3: Từ chủ đề trung tâm, ta vẽ các nhánh chính. Trên mỗi nhánh chính thể hiện một luận điểm phản ánh một nội dung nào đó của chủ đề (Nhánh chính nên viết bằng chữ in hoa; nhánh, chữ viết, hình vẽ trong một cấp cùng màu sắc có tác dụng kích thích não như hình ảnh). Nhánh chính đó phải nối với chủ đề trung tâm, chỉ sử dụng các thuật ngữ quan trọng để viết trên các nhánh.

Bước 4: Từ mỗi nhánh chính vẽ tiếp các nhánh phụ để viết tiếp nội dung thuộc nhánh chính đó (các chữ trên nhánh phụ nên viết bằng chữ thường). Tùy theo nội dung của tài liệu học tập mà ta bố trí các nhánh thứ cấp. Ví dụ: Theo các em, quan niệm văn chương của Nguyễn Đình Chiểu có những nội dung gì? (Biểu hiện đạo lí và chiến đấu cho sự nghiệp chính nghĩa; ngụ ý khen chê công bằng; phải có sự sáng tạo có tính thẩm mỹ; ghét lối văn cử nghiệp gò bó).

Tùy theo nội dung của vấn đề đặt ra mà giáo viên hướng dẫn học sinh từ nhánh chính chia ra nhánh phụ cấp nhỏ hơn. Điều cần lưu ý trong sơ đồ là sơ đồ càng chi tiết bao nhiêu thì càng đem đến không những nhiều thông tin mà còn giúp cho người học nắm được bản chất của vấn đề hơn bấy nhiêu.