Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết!

Tổng kết 30 năm đổi mới, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII đã nêu lên 5 bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó có bài học thứ tư : “… phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết là đúng đắn và cần thiết để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

- Vấn đề dân tộc và giai cấp luôn luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau, giải quyết tốt mối quan hệ này mang lại những thắng lợi bền vững cho sự nghiệp cách mạng. Trong lịch sử phong trào cộng sản trên thế giới, các tư tưởng tả khuynh, tuyệt đối hóa quan điểm giai cấp, chỉ mang lại những kết quả tức thời, không bền vững và để lại nhưng hậu quả nặng nề, khó khắc phục. Ngay trong điều kiện đối đầu hai cực từ năm 1949 đến năm 1991, khi sự đồng nhất về ý thức hệ là nhân tố gắn kết các nước xã hội chủ nghĩa lại với nhau, vấn đề dân tộc trong mỗi quốc gia và lợi ích quốc gia dân tộc trong quan hệ giữa các nước xã hội chủ nghĩa vẫn là một yêu tố rất quan trọng, là nguyên nhân của những mâu thuẫn, bất hòa, xung đột, trừng phạt, thậm chí chiến tranh giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Điều này càng thấy rõ hơn, cụ thể hơn sau khi Liên Xô tan rã, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Các nước có chế độ chính trị khác nhau vừa đấu tranh, vừa hợp tác. Lợi ích quốc gia dân tộc nổi trội lên, tuy không phải là duy nhất, nhưng là cơ sở quan trọng nhất để các quốc gia xác định mối quan hệ hợp tác và đấu tranh. Đó là điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của các quốc gia, dân tộc trên thế giới ngày nay.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, sự bình đẳng giữa các giai cấp, tầng lớp,
dân tộc, phải được quán triệt trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,
đặc biệt trong giai đoạn hiện nay là trong lĩnh vực kinh tế. (Ảnh: Báo HNM)

Đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết không phải là bỏ qua chủ nghĩa quốc tế vô sản, bỏ qua trách nhiệm quốc tế vì sự tiến bộ và phát triển của tất cả các dân tộc. Cần xác định rõ rằng, ngày nay, mọi việc làm vì tiến bộ và phát triển chung của nhân loại đều làm cho nhân loại tiến gần hơn đến chủ nghĩa xã hội. Đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết đồng thời với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, mong muốn là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong quan hệ quốc tế vì độc lập, hòa bình và tiến bộ là làm tốt nghĩa vụ quốc tế của dân tộc Việt Nam.

- Mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên, lên trước trong cách mạng Việt Nam đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giải quyết ngay từ đầu, trong quá trình vận động thành lập Đảng và lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh giành và bảo vệ nền độc lập. Tiếp thu, vận dụng sáng tạo các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn phương Đông, vào phong trào giải phóng dân tộc, vào Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò đại đoàn kết toàn dân tộc, khi khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp phong trào yêu nước, phong trào công nhân và chủ nghĩa Mác - Lênin. Người vạch ra đường lối cách mạng Việt Nam là “trước làm cách mạng quốc gia, sau làm cách mạng thế giới”, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên, lên trước… Thực tế cách mạng Việt Nam từ khi thành lập đến nay đã khẳng định: giải quyết tốt quan hệ giữa dân tộc và giai cấp trong đường lối chiến lược cách mạng, đặt vấn đề dân tộc lên trên, lên trước là nguyên nhân thành công của cách mạng ở Việt Nam và thế giới.

- Đối với nước ta hiện nay, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết có ý nghĩa rất thiết thực, là cơ sở cho sự ổn định, phát triển và tạo nên nguồn lực to lớn cho công cuộc đổi mới. Trong thực tiễn biến đổi của quan hệ giữa các nước trên thế giới sau khi Liên Xô ta rã đã khẳng định sức mạnh to lớn nhất, nguồn lực chủ yếu nhất để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay là sức mạnh toàn dân tộc. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc là rất cần thiết để tạo nên nguồn lực to lớn đó. Mặt khác, trong điều kiện kinh tế nhiều thành phần, hội nhập quốc tế, chỉ có lợi ích quốc gia – dân tộc mới là tiêu điểm chung để đoàn kết tất cả các giai cấp, tầng lớp của dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

- Rút ra được bài học đúng đắn là quan trọng trong tổng kết thực tiễn, nhưng điều cần thiết hơn là vận dụng cho được các bài học trong hoạch định, tổ chức và thực hiện đường lối đổi mới. Đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết đầu tiên phải thể hiện rõ mục tiêu phát triển dân tộc trong đường lối phát triển. Mục tiêu phát triển dân tộc quy định mọi chủ trương, đường lối, chính sách phải vì lợi ích chung của toàn dân tộc, đảm bảo lợi ích chính đáng của mỗi cộng đồng dân tộc, của mỗi người dân. Trong điều kiện kinh tế thị trường, sự bình đẳng giữa các giai cấp, tầng lớp, dân tộc phải được quán triệt trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay là trong lĩnh vực kinh tế. Trong điều kiện nền kinh tế nhiều thành phần kinh tế, phải đảm bảo bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, bình đẳng trong khai thác và sử dụng các tài nguyên, trong sự thụ hưởng những thành quả đạt được…Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết cần có những biện pháp rõ ràng và kiên quyết để đấu tranh với “lợi ích nhóm”, một tệ nạn đang vận động rất phức tạp, là yếu tố hàng đầu đe dọa đến sự đoàn kết thống nhất của dân tộc, mục tiêu cao nhất của đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết hiện nay.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam