Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Bổ sung quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực lao động

Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, Nghị định bổ sung một số quy định nhằm xử lý vi phạm về tuyển, quản lý lao động, sử dụng lao động...

Về vi phạm tuyển, quản lý lao động, Nghị định mới bổ sung quy định phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây: 1- Không thông báo công khai về nhu cầu tuyển lao động hoặc thông báo ít hơn 5 ngày làm việc trước khi nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động hoặc thông báo không đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định pháp luật; 2- Không thông báo công khai kết quả tuyển lao động hoặc thông báo sau 5 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả tuyển lao động.

Bên cạnh đó, phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: 1- Thu tiền của người lao động tham gia tuyển lao động; 2- Không lập sổ quản lý lao động; lập sổ quản lý lao động không đúng thời hạn, không đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định pháp luật; không ghi chép, nhập đầy đủ thông tin về người lao động vào sổ quản lý lao động khi hợp đồng lao động có hiệu lực; không cập nhật thông tin khi có sự thay đổi vào sổ quản lý lao động.

Phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động sẽ bị xử phạt

Hành vi phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.

Nghị định mới cũng bổ sung xử phạt vi phạm hành chính về phân biệt đối xử vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Theo đó, Nghị định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: 1- Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc và các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động nhằm cản trở việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; 2- Không gia hạn hợp đồng lao động đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động; 3- Kỷ luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với người lao động vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; 4- Quấy rối, ngược đãi, cản trở hoặc từ chối thăng tiến nghề nghiệp cho cán bộ công đoàn; 5- Thông tin không đúng sự thật nhằm hạ thấp uy tín của cán bộ công đoàn đối với người lao động.

Mức phạt vi phạm quy định về tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam cũng được Nghị định bổ sung. Cụ thể, hành vi sử dụng người lao động Việt Nam nhưng không báo cáo tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam về tình hình tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 1- 3 triệu đồng.

Nếu sử dụng người lao động Việt Nam mà không thông báo bằng văn bản kèm bản sao hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động Việt Nam cho tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.

Kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung triển khai kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu có ảnh hưởng tới sức khỏe con người trong dịp Tết nguyên đán Bính Thân 2016.

Theo đó, sẽ kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu tại thành phố Hải Phòng (tháng 12/2015), tại thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh (tháng 1/2016).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ trực tiếp chỉ đạo quyết liệt rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành thuộc Bộ, ngành mình phụ trách; Ban hành Danh mục hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan.

Bên cạnh đó, đổi mới mới phương thức tổ chức thực hiện kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ, công chức thực hiện kiểm tra chuyên ngành.

Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân lực phục vụ hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Trường hợp chưa bố trí kinh phí để thực hiện trong năm 2015, đề xuất Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ tạm ứng nguồn kinh phí của ngành Hải quan để thực hiện. Giao Bộ Tài chính theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện các công việc trên.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án điện Thái Bình

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong cuộc họp về tình hình thực hiện các dự án điện tại Trung tâm Điện lực Thái Bình.

Theo thông báo kết luận, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã và đang được đầu tư xây dựng nhiều dự án lớn: Dự án Hệ thống thu gom khí giai đoạn 1 đã đưa khí từ mỏ Thái Bình vào bờ được khánh thành ngày 28/9/2015 sẽ đảm bảo cung cấp bổ sung nguồn khí đốt cho các nhà máy trong Khu công nghiệp Tiền Hải, thay thế cho nhiên liệu dầu DO, FO, LPG, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và môi trường trong Khu công nghiệp; Nhà máy sản xuất Amôn Nitrat Thái Bình được hoàn thành bàn giao từ tháng 6/2015, đã đưa vào sản xuất ổn định.

Việc đưa vào vận hành các dự án trên đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thái Bình trong năm 2015 và các năm tiếp theo. Các dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình và Thái Bình 2 đang được khẩn trương đầu tư xây dựng, khi đưa vào vận hành giai đoạn 2017 – 2018, hai Dự án này với tổng công suất 1.800 MW sẽ góp phần bảo đảm cung cấp điện không chỉ cho tỉnh Thái Bình nói riêng, khu vực các tỉnh đồng bằng nói chung mà còn hỗ trợ cung cấp điện cho các tỉnh miền Nam qua đường giây 500 kV vào đúng giai đoạn khu vực này có nhiều khả năng xảy ra thiếu điện.

Các dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình và Thái Bình 2 đã cơ bản khắc phục được các khó khăn, vướng mắc, đã rõ về tiến độ, công tác giải phóng mặt bằng đã giải quyết, các công trình đường dây tải điện đã được chuẩn bị để đưa vào đồng bộ theo yêu cầu của các dự án nguồn điện.

Tuy nhiên, trong thời gian tới các công việc còn nhiều, một số công trình, hạng mục, như cảng than, đường ống dẫn nước ngọt, hệ thống nước tuần hoàn,... còn chậm so với tiến độ đề ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị có liên quan cần phải cố gắng hơn nữa để các công trình được đưa vào đồng bộ, đáp ứng tiến độ đưa vào vận hành của các tổ máy; các Tập đoàn tiếp tục quan tâm hỗ trợ địa phương trong việc đầu tư, nâng cấp các công trình an sinh, xã hội, như: trường học, trạm y tế,... Các Bộ, ngành, UBND các cấp tỉnh Thái Bình cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ chủ đầu tư các Dự án trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đẩy nhanh công tác thẩm định tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/10/2015.

UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các sở, ban ngành, chính quyền địa phương các cấp hỗ trợ Tập đoàn EVN trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng Khu quản lý vận hành và sửa chữa của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình để bàn giao mặt bằng cho EVN trong tháng 10 này; các dự án lưới điện đồng bộ với Trung tâm Điện lực Thái Bình để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công theo đúng tiến độ yêu cầu.

Bên cạnh đó chỉ đạo các Sở, ban ngành chức năng của tỉnh tăng cường phối hợp với chủ đầu tư và nhà thầu, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trên công trường xây dựng các nhà máy điện, đảm bảo việc thi công thực hiện đúng các yêu cầu về an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

Phó Thủ tướng giao các Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên trên công trường, yêu cầu nhà thầu ngoài việc bảo đảm chất lượng, tiến độ, cần có giải pháp đảm bảo an toàn và vệ sinh, môi trường trong quá trình thi công.

Các Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam bảo đảm tiến độ đưa vào vận hành thương mại (COD) của Nhà máy điện Thái Bình: Tổ máy 1 tháng 10/2017; Tổ máy 2 tháng 4/2018; Nhà máy điện Thái Bình 2: Tổ máy 1 tháng 9/2017; Tổ máy 2 tháng 3/2018.