Thận trọng với truyện ngôn tình

(NTO) Văn học ngôn tình Trung Quốc “đổ bộ” vào Việt Nam gần 10 năm, thu hút đông đảo bạn đọc ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ. Không hiếm bạn trẻ, đặc biệt lứa tuổi teen có thể kể vách tựa đề các truyện ngôn tình như: “Yêu em từ cái nhìn đầu tiên”, “Bên nhau trọn đời”, “Tình yêu thứ ba”… Các trang web đăng tải truyện ngôn tình được nhiều người biết đến như: truyenngontinh.com, diendanlequydon.com, gacsach.com… có số lượt đọc và download rất cao. Tại các hiệu sách đều dành một góc ưu tiên cho dòng sách này. Nhu cầu đọc dòng sách này tăng cao khiến các nhà xuất bản dù không muốn nhưng vẫn dành sự “lưu tâm” không nhỏ. Điều dễ nhận thấy là thị hiếu đọc của công chúng lẫn giới trẻ đang đi xuống, có xu hướng thiên về “ngôn tình hóa”.

Ngôn tình được giới trẻ ưa chuộng vì phù hợp với tâm lý mơ mộng, đặc biệt là những người sống khép kín, tin vào những điều vô lý. Đa phần sáng tác ngôn tình xa rời thực tế, đề tài thường thiên về tình yêu đôi lứa cùng những triết lý tình cảm sáo rỗng. Nhân vật ngôn tình thường được hình tượng hóa đến mức tuyệt mĩ, hiếm gặp trên đời, “ảo”. Điều đáng lo ngại là những truyện ngôn tình thường đưa người đọc vào thế giới ủy mị, lạc vào những cảm xúc, tình cảm hỗn loạn, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến nhận thức và tính cách, sống thiếu định hướng, phấn đấu, viển vông, mộng tưởng, xa rời thực tế...

Đọc sách thực sự là thông qua sách giúp độc giả nâng cao nhận thức, tích lũy tri thức, truyện ngôn tình không đáp ứng được tiêu chí đó, ngược lại có nguy cơ gây “lệch lạc” quan niệm sống của giới trẻ. Do đó rất cần sự vào cuộc của các nhà phê bình văn học, góp phần định hướng thị hiếu đọc cho công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh đó, độc giả cần “nhận thức lại” giá trị thực sự của sách ngôn tình, bỏ qua kiểu đọc sách dễ dãi, tránh rơi vào tình huống tưởng đọc để “giải trí”, song lại rước hại vào thân…