Quy hoạch vùng trồng cỏ đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững

(NTO) Qua các đợt nắng hạn kéo dài ở tỉnh ta, có thể thấy nhu cầu về thức ăn cho gia súc rất cấp bách. Để tạo bức phá trong phát triển chăn nuôi đại gia súc có sừng theo hướng bền vững, yêu cầu đặt ra là phải quy hoạch vùng trồng cỏ.

Anh Mai Văn Thương là chủ trang trại cừu có trên 400 con, đóng ở thôn Đồng Dày, xã Phước Trung (Bác Ái) chủ yếu kiếm thức ăn ngoài tự nhiên. Vào mùa nắng hạn, cây, cỏ cháy khô, thức ăn cho cừu thiếu trầm trọng, khiến anh phải “chạy đôn, chạy đáo” thu mua phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi để duy trì đàn. Thời điểm nắng hạn gay gắt từ tháng 5 đến tháng 7, mỗi tuần anh mua thêm một xe máy cày rơm với giá cao cho cừu ăn nhưng vẫn không thấm tháp vào đâu. Đến nay, khi trời có mưa, cây cỏ phục hồi phát triển trở lại bổ sung thêm nguồn thức ăn đáng kể cho đàn gia súc, nhưng đợt nắng hạn hoành hành vừa qua hộ chăn nuôi chưa thể quên được.

 
Nông dân Ninh Phước trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.

Nhìn lại nỗ lực của nông dân và ngành chức năng, các địa phương cứu đàn gia súc là rất đáng ghi nhận. Một trong những việc làm thể hiện sự linh hoạt, ứng phó kịp thời với hạn hán của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đó là tham mưu cho UBND tỉnh đề ra chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, cỏ phục vụ chăn nuôi. Trong vụ đông-xuân và hè-thu vừa qua, ngành Nông nghiệp, các huyện, thành phố đã hỗ trợ nông dân chuyển hơn 500ha đất lúa sang trồng bắp, cỏ đã tạo ra nguồn thức ăn đáng kể cho đàn gia súc. Đồng chí Phạm Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn nhận: Nếu không kịp thời đưa ra các biện pháp đồng bộ chống hạn, thì thiệt hại cho ngành chăn nuôi sẽ rất lớn.

Tuy nhiên, đó là những giải pháp trước mắt, để thực hiện phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng bền vững, về lâu dài phải lập vùng chuyên canh trồng cỏ. Hiện tại, ngành Nông nghiệp đã xây dựng Quy hoạch đồng cỏ gắn với chăn nuôi gia súc tập trung đến năm 2020 và được UBND tỉnh phê duyệt. Bước tiếp theo của ngành Nông nghiệp làm là công bố quy hoạch; đồng thời, phối hợp với các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để đạt mục tiêu đề ra. Theo quy hoạch, lộ trình từ nay đến năm 2020 phát triển đồng cỏ quy mô diện tích 1.900ha. Giai đoạn đầu, hình thành vùng chuyên canh sản xuất cỏ 300ha, sau đó nhân ra trên phạm vi lớn. Quy hoạch tuân thủ mục đích đảm bảo mở rộng quy mô vừa chuyển giao giống cỏ mới có năng suất, chất lượng cao, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng ở từng khu vực.

Vụ mùa này, nông dân được hỗ trợ trồng thử nghiệm giống cỏ Sweet jumbo có năng suất và hàm lượng dinh dưỡng vượt trội. Đây là giống cỏ cao lương ngọt trồng phổ biến ở Aurtralia, đang được nhân rộng ở nước ta vì dễ trồng, dễ chăm sóc, năng suất đạt từ 250-400 tấn/ha/năm, cao hơn cỏ voi VA06 mà bà con trong tỉnh đang trồng hiện nay 100 tấn. Tại huyện Ninh Phước, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận giống cỏ mới cấp cho các xã, thị trấn (bình quân mỗi xã, thị trấn 5kg giống) trên địa bàn trồng thử nghiệm trong vụ mùa. Phong trào trồng cỏ cũng đang lan tỏa rộng khắp trên toàn tỉnh, nhiều hộ sử dụng giống cỏ mới, đầu tư hệ thống tưới phun mưa sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

Chăn nuôi ở tỉnh ta đang ngày càng phát triển, bằng nhiều hình thức trang trại, gia trại. Toàn tỉnh có tổng đàn gia súc là 254.000 con; trong đó, dê, cừu 92.000 con, bò 89.000 con. Theo đề án Tái cơ cấu ngành chăn nuôi đến năm 2020, quy mô tổng đàn bò tăng lên 140.000 con; cừu, dê tăng lên trên 100.000 con. Theo tính toán của những người làm chuyên môn, với tổng đàn trên, ngoài nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên, mỗi năm cần thêm khoảng hơn 1.000 tấn cỏ, do đó việc quy hoạch phát triển vùng trồng cỏ là rất cần thiết nhằm đảm bảo thức ăn cho đàn gia súc, vừa hình thành thêm nghề trồng cỏ, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.