Các chỉ tiêu cần sát thực hơn

Bộ NN&PTNT đang tiếp tục góp ý vào Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm qua và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới (2016-2020).

Cần cân nhắc chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội, môi trường

Nhiều ý kiến nhất trí với mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong dự thảo Báo cáo chính trị. Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị cân nhắc chỉ tiêu về tỷ lệ lao động nông nghiệp trong cơ cấu lao động xã hội (khoảng 35-40% vào năm 2020).

Theo số liệu thống kê năm 2010, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong cơ cấu lao động xã hội là 49,5%, ước tính sơ bộ năm 2014 tỷ lệ này vẫn còn tới 46,5% (bình quân mỗi năm giảm 0,75%/năm), nên mục tiêu đặt ra đến năm 2020 tỷ lệ lao động nông nghiệp trong cơ cấu lao động xã hội giảm từ 6,5-11,5% (còn khoảng 35-40%) là khó khả thi. Nên điều chỉnh chỉ tiêu tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40-45%. Chỉ tiêu lao động qua đào tạo (phấn đấu đạt 70%) là cao so với thực tiễn.

Nên bổ sung chỉ tiêu về giáo dục, đặc biệt khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, nơi việc học tập của con em đồng bào gặp nhiều khó khăn, thất học nhiều.

Trong chỉ tiêu về môi trường, cần nghiên cứu sửa nội dung chỉ tiêu: “Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh…” thành “Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh…” cho chặt chẽ và chuẩn xác vì 2 chỉ tiêu này không đồng nhất và không có chỉ tiêu chung là “nước sạch, hợp vệ sinh”.

Chỉ tiêu 80-85% chất thải nguy hại, 95-100% chất thải y tế được xử lý là khó đạt được, cần xem xét lại.

Chỉnh sửa một số nội dung về nhiệm vụ cụ thể

Hầu hết các ý kiến thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp như trong Dự thảo. Tuy nhiên, về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế-xã hội (mục 1, trang 132)... cần bổ sung các giải pháp, chính sách để chống độc quyền trong một số ngành kinh tế chủ lực. Trong đó cần phân tích kỹ hơn, cập nhật hơn diễn biến tình hình thế giới trong giai đoạn có nhiều diễn biến gần đây.

Đảng Bộ Bộ NN&PTN cũng đề nghị bổ sung, chỉnh sửa nội dung dòng thứ 10-13 từ trên xuống, trang 133 thành: “Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thuận lợi, bình đẳng; kiểm soát tốt độc quyền kinh doanh. Tất cả các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường” cho phù hợp và đầy đủ.

Trang 136 trong ý: “Không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường” nên bổ sung từ “vài” thành “không để phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường”.

Về đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh cũng cần xem kỹ hơn vấn đề cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (mục 2, trang 137).

Cụ thể, Bộ NN&PTNT đề nghị bổ sung, chỉnh sửa từ dòng 10 đến 25 từ trên xuống thành: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp lớn, giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm an ninh lương thực và vệ sinh an toàn thực phẩm; tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; bảo vệ và sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất trồng lúa, khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hình thức đa dạng phù hợp với điều kiện của từng vùng, đặc điểm của từng sản phẩm và nhu cầu thị trường; bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái. Tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa hộ nông dân với tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, công ty, nông lâm trường quốc doanh và doanh nghiệp nông nghiệp”.

Đặc biệt, về chỉ tiêu các xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020 là 50% được đánh giá là quá cao. Chỉ tiêu này khó đạt vì hiện nay cả nước có hơn 9.000 xã mà đến năm 2015 mới có khoảng 1.800 xã (20%) đạt chuẩn nông thôn mới, những xã chưa đạt chuẩn xã nông thôn mới đa số là những xã khó khăn, đặc biệt là những xã ở các vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, miền núi phía Bắc.

Nguồn chinhphu.vn