Ca Huế xứng đáng là di sản văn hóa đại diện của nhân loại

Ca Huế là thể loại âm nhạc cận cung đình, biểu hiện những nét đẹp tinh tế của vùng đất cố đô và có một vị trí quan trọng trong quá trình phát triển của nền âm nhạc cổ truyền của người Việt, hoàn toàn xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc trong cả nước tại hội thảo “Ca Huế - Giá trị, định hướng bảo tồn và phát huy” được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức ngày 22-9 nhân sự kiện Ca Huế được công nhận là "Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia".

Biểu diễn Ca Huế. Ảnh: VGP/Thế Phong

Ca Huế ra đời vào khoảng thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII dưới thời các chúa Nguyễn và chính thức định hình và phát triển trong thế kỷ XIX dưới Triều Nguyễn. Những bài bản đầu tiên của Ca Huế là hệ thống “10 bài Ngự” và các bản Ngũ đối thượng, hạ, Long ngâm… Cùng sự cổ xúy của Lộc Khê hầu Đào Duy Từ, về sau, Ca Huế còn có thêm nhiều sáng tác mới của các bậc vua chúa, quan lại, văn nhân, nho sĩ.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Sáng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên-Huế, về mặt âm nhạc, Ca Huế đã tạo ra những dấu ấn rất độc đáo và đặc trưng riêng biệt, trong đó dễ nhận thấy nhất là một hệ bài bản phong phú, đa dạng, cấu trúc trên hai điệu thức chính là bắc (vui), nam (buồn) cùng với những biến thể trong cách hát, tạo nên nhiều hơi nhạc khác nhau; cấu trúc giai điệu của Ca Huế phức tạp, hoàn chỉnh; lời ca giàu chất văn học, đa tầng, nhiều nghĩa, phản ánh tình cảm sâu kín của con người; kỹ thuật ca hát tinh tế với nhiều luyến láy; yêu cầu cao về hệ thống nhạc đệm, môi trường diễn sướng chọn lọc; quan hệ giữa người nghệ sĩ và người thưởng thức là quan hệ tri âm, tri kỷ, đồng điệu.

Nét độc đáo của Ca Huế là sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa, tinh tế giữa hai dòng nhạc bác học và dân gian, nhất là trong thể loại dân ca hò Huế và lý Huế. Ca Huế là sự kết hợp giữa thanh nhạc và khí nhạc trong một hệ thống những bài bản có cấu trúc chặt chẽ, chuẩn mực. Với đặc trưng riêng, ca Huế đã lan tỏa trong Nam, ngoài Bắc, dễ dàng đồng điệu với quan họ của Bắc Ninh, với các chiếu chèo ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhất là mối quan hệ mật thiết với đờn ca tài tử ở Nam Bộ.

GS. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận định, Ca Huế là thể loại âm nhạc chứa chất và thể hiện được nhiều nhất điệu tâm hồn con người cố đô Huế. Từ Nhã nhạc cung đình Huế và cả Ca Huế, theo chân các vị quan nhạc, vốn âm nhạc chuyên nghiệp Huế đã thâm nhập cộng đồng dân cư Việt ở Nam Bộ để toả sáng, để phát triển thành đờn ca tài tử Nam Bộ. Ca Huế vì thế có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của nền âm nhạc truyền thống của người Việt.

Khẳng định giá trị Ca Huế, nghệ sĩ Togi Hideki-một nhạc sĩ bậc thầy trong truyền thống nhã nhạc gagaku Nhật Bản từng phát biểu: “Ca Huế giúp người nghe đạt bản chất của nó, tức là những tình cảm đất đai nguồn cội được biến thành lời ca, thành luyến láy, thành ngắt câu, thành vun vút, thành quãng lặng...”.

Sau khi phân tích về đặc trưng của Ca Huế, nhạc sĩ Nguyễn Sáng khẳng định Ca Huế là chỉnh thể thống nhất, sánh ngang với Ca trù (đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa của nhân loại) ở khu vực phía Bắc và đề nghị Bộ VHTT&DL cho phép lập hồ sơ Ca Huế - hò Huế - lý Huế, trong đó Ca Huế là hạt nhân chính để trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL), việc Thừa Thiên - Huế đang hướng đến xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là một trong những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ Ca Huế.

PGS.TS. Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết để phát huy giá trị Ca Huế, trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung việc nghiên cứu, làm rõ thêm các giá trị của loại hình nghệ thuật này cùng với việc nâng cao chất lượng biểu diễn, tổ chức truyền dạy, phố biến, đưa Ca Huế thấm sâu vào trong hoạt động cộng đồng; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị ca Huế. Từng bước xây dựng luận cứ để lập hồ sơ di sản Ca Huế, đệ trình UNESCO.

Tối 22-9, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức lễ đón Bằng công nhận Ca Huế là "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia".

Với những giá trị đặc trưng, tiêu biểu của loại hình nghệ thuật Ca Huế, ngày 8/6/2015, Bộ VHTT&DL đã có Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL công nhận Ca Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nguồn www.chinhphu.vn