Phát triển công nghiệp theo hướng bền vững

(NTO) Xác định phát triển công nghiệp (CN) là một trong những mục tiêu hàng đầu đưa kinh tế tỉnh nhà phát triển, trong những năm qua tỉnh ta đã đề ra nhiều giải phápthúc đẩy phát triển lĩnh vực này và bước đầu đã tạo ra những kết quả khá rõ nét.

Những dấu ấn

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã xác định, đến năm 2020 lĩnh vực CN vẫn được xem là ngành kinh tế mũi nhọn để khuyến khích đầu tư. Để cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết, trong nhiệm kỳ qua, ngoài việc thành lập và đi vào hoạt động Văn phòng phát triển kinh tế (EDO), đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư để khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư trong, ngoài nước, tỉnh còn mạnh dạn thuê các nhà tư vấn nước ngoài (Tập đoàn Monitor của Mỹ và Arup của Anh) lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dây chuyền sản xuất bia lon tại Nhà máy Bia Sài Gòn- Ninh Thuận. Ảnh: Văn Miên

Với quyết tâm cải cách mạnh mẽ, môi trường đầu tư của tỉnh ta ngày càng được cải thiện đáng kể. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã có trên 200 dự án đầu tư vào ngành CN, với tổng giá trị nguồn vốn khoảng 47.230 tỷ đồng; trong đó, nhiều nhất là lĩnh vực CN chế biến với 130 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng. Đáng chú ý là một số dự án đầu tư mới như: Nhà máy Bia Sài Gòn – Ninh Thuận, Nhà máy Chế biến tôm xuất khẩu số 2 của Công ty TNHH Thông Thuận..., dù mới đi vào hoạt động, nhưng đã phát huy năng lực sản xuất tốt. Hiện một số DN đang tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, đồng thời chủ động trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể như Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú, đã đầu tư gần 300 tỷ đồng xây mới toàn bộ hệ thống sản xuất khép kín từ nhà máy sợi, nhà máy dệt, nhà máy nhuộm đến nhà máy may khăn bông trên diện tích 22 ha, tại thôn Hạnh Trí (xã Quảng Sơn, Ninh Sơn). Dù mới hoàn thành giai đoạn 1, nhưng nhà máy đã đạt sản lượng trên 3.100 tấn sản phẩm/năm, thu hút gần 500 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến trong giai đoạn 2016-2020, nhà máy sẽ tăng sản lượng lên 6.240 tấn sản phẩm/năm, góp phần giải quyết thêm khoảng 300 lao động của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Nếu ở thời điểm cuối năm 2010, khi các nhóm ngành kể trên chưa đi vào hoạt động, tổng giá trị sản xuất toàn ngành CN chỉ đạt 1.460 tỷ đồng, thì đến tháng 8 năm nay, giá trị sản xuất toàn ngành CN tỉnh nhà đã đạt 3.748 tỷ đồng, tăng gần 3 lần, góp phần đưa giá trị sản xuất CN giai đoạn 2010 – 2015 tăng trưởng bình quân 17,9%/năm. Điều đó cho thấy, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, nhưng ngành CN tỉnh ta vẫn tạo được sức bật mới để vươn lên.

Giải pháp tăng trưởng công nghiệp bền vững

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột ưu tiên phát triển được xác định rất rõ, gồm 4 cụm ngành chính là: Năng lượng sạch, du lịch, nông – lâm - thủy sản, sản xuất chế biến và 2 ngành phụ trợ là giáo dục - đào tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản. Dựa trên 6 nhóm ngành trụ cột này, tỉnh ta đang tái tổ chức không gian phát triển hợp lý trong thời gian tới. Theo đó, khu vực phía Bắc của tỉnh sẽ ưu tiên cho phát triển du lịch, với những khu nghỉ dưỡng cao cấp, có quy mô lớn dọc theo ven biển từ Bình Tiên đến Vĩnh Hy. Vùng phía Nam được dành cho phát triển công nghiệp, trọng tâm là Khu công nghiệp Phước Nam và Cà Ná, còn lại vùng đồng bằng dành để phát triển đô thị và dịch vụ - thương mại.

Công nhân Công ty TNHH Thông Thuận chế biến tôm xuất khẩu.

Để biến tiềm năng thành cơ hội phát triển, vừa qua, tỉnh ta đã ban hành Kế hoạch số 1925/KH-UBND thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương, nhằm tạo bước đi cụ thể theo lộ trình, hướng đến khắc phục các tồn tại, hạn chế về cấu trúc hiện trạng, từ đó phát huy các thế mạnh về lợi thế so sánh và cạnh tranh của ngành. Ngành Công Thương đang xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện chương trình hành động phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, đối với lĩnh vực CN sẽ tập trung tái cơ cấu 4 ngành chính là CN chế biến, CN năng lượng, CN khai khoáng và CN hỗ trợ. Trước mắt, đến hết năm 2015 chủ yếu tập trung cho phát triển CN năng lượng và CN chế biến; giai đoạn 2016-2020 tập trung đầu tư hoàn thành và mở rộng các khu, cụm CN, hình thành trung tâm năng lượng sạch và vùng chế biến thủy sản tâp trung.

Tỉnh ta cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết thêm 4 cụm CN, nâng tổng số trên địa bàn tỉnh lên 6 cụm CN. Trong đó, cụm CN Quảng Sơn và Tri Hải đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, 2 cụm CN Hiếu Thiện, Suối Đá đang kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng. Riêng cụm CN chế biến thủy sản tập trung, diện tích 17 ha hiện đang được huyện Thuận Nam triển khai lập quy hoạch chi tiết tại địa bàn xã Phước Minh. Ngoài ra, đẩy mạnh thu hút các dự án sản xuất CN có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sản xuất sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, các cụm CN khi đưa vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất CN đạt khoảng 13.676 tỷ đồng, tăng 2,43 lần so với năm 2015; trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt từ 19-20% và giá trị tăng thêm ngành CN trong cơ cấu kinh tế đạt khoảng 26,8%.

Với quyết tâm cao, tin rằng trong những năm tới, ngành CN tỉnh nhà sẽ phát triển nhanh, bền vững theo mô hình kinh tế "xanh và sạch”.