Vấn đề hôm nay:

Đừng làm “rầu” nồi canh!

(NTO) Có thể nói, tỉnh ta là một trong những tỉnh đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán kéo dài từ giữa năm 2014 đến nay, tác động không chỉ đối với sản xuất nông nghiệp nói chung mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống, xáo trộn sinh hoạt của người dân vùng hạn.

Trước thực trạng trên, với trách nhiệm trước khó khăn của Nhân dân và đồng cảm với những lo toan của người dân... lãnh đạo tỉnh và các ngành, địa phương đã nhanh chóng có các biện pháp khắc phục. Cùng với “chi viện” của Trung ương, tỉnh đã cấp kinh phí cho các địa phương chở nước đến tận nơi để cung cấp cho người dân hàng ngày đồng thời trợ cấp lương thực cho từng nhân khẩu, quyết tâm không để xảy ra tình trạng dân đói, dân khát và xem đây là “mệnh lệnh” cho hành động để giảm khó cho dân, giúp dân vượt qua khó khăn trước mắt.

Đồng bào xã Phước Nam (Thuận Nam) nhận gạo của Chính phủ trợ cấp cho người dân vùng hạn.
Ảnh: Sơn Ngọc

Mặt khác, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc giảm thiệt hại về sản xuất cho người dân, ngoài kinh phí hỗ trợ chống hạn cho cây trồng, để giữ đàn gia súc vốn là “đầu cơ nghiệp” cho nhiều nông hộ, Trung ương và tỉnh đã hỗ trợ nước uống, phòng chống dịch bệnh... đặc biệt là hỗ trợ kinh phí mua thức ăn cho đàn gia súc. Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh đã có gần 60.000 con trâu bò chịu tác động của hạn hán như thiếu thức ăn, nước uống kéo dài dẫn đến suy dinh dưỡng và đã có không dưới 40% trong số này đang trong giai đoạn sinh sản. Ngoài ra còn có trên 60.000 con dê, cừu cũng trong tình trạng tương tự, làm cho trên 42.000 con (chiếm 70%) ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, gây bất lợi cho người chăn nuôi…Theo ước tính tổng thiệt hại về chăn nuôi trên, dưới 528 tỷ đồng. Như đã nêu trên, để duy trì đàn gia súc tỉnh đã có chủ trương và phân bổ cho các địa phương để hỗ trợ mua thức ăn cho gia súc với tổng kinh phí trên 46,2 tỷ đồng. Qua đó, đã có nhiều địa phương triển khai thực hiện kịp thời trên tinh thần công khai, dân chủ, công tâm, khách quan, tạo được đồng thuận cao cho người dân sở tại. Tuy nhiên, theo phản ảnh của người dân, đây đó ngay tại cơ sở vẫn còn xảy ra tình trạng tùy tiện trong việc phân bổ kinh phí từ khâu kê khai lập danh sách số lượng đàn gia súc đến không tổ chức bình xét trong dân… dẫn đến tình trạng người nuôi nhiều thì nhận ít và ngược lại. Thậm chí là lập khống danh sách số lượng bò, dê, cừu để nhận tiền hỗ trợ, thu lợi bất chính, gây bất bình tại địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương nếu không muốn nói là thiếu trách nhiệm với người dân, thực hiện không đúng, đủ tinh thần chỉ đạo của cấp trên.

Thực ra, đây chỉ là những “con sâu” xấu làm “rầu” nồi canh “giải nhiệt” mà toàn tỉnh ta đang dốc sức, dốc lòng giúp dân vượt hạn. Bài học về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cần được các địa phương quan tâm thực hiện nhất là liên quan đến quyền lợi của dân. Đồng thời cần xử lý nghiêm khắc những trường hợp tư lợi, “phớt lờ” ý kiến chính đáng của người dân làm ảnh hưởng đến chính sách của Nhà nước và của tỉnh.