Về chính sách hình sự đối với người chưa thành niên tội phạm

(NTO) Về chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, đây là vấn đề lớn cả về nội dung chính sách cũng như về mặt hình thức, đó là tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do vậy cần có sự cân nhắc, nghiên cứu kỹ trước khi nội dung này trở thành quy định pháp luật.

Theo các điều trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) (BLHS) thì người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp thay thế xử lý hình sự là: Khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc tại cơ quan, tổ chức.

Về mặt nội dung của quy định này có một số vấn đề cần xem xét. Thực tế trong những năm gần đây cho thấy tội phạm do người chưa thành niên thực hiện ngày càng gia tăng cả về số vụ và tính chất, mức độ nguy hiểm, gây bức xúc trong xã hội. Do đó, việc sửa đổi các quy định của BLHS về trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên, bên cạnh yêu cầu đề cao tính nhân đạo, tính giáo dục cũng cần phải tính đến sự phù hợp với thực tiễn xã hội hiện nay, đồng thời phải đảm bảo yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Các biện pháp thay thế xử lý hình sự theo quy định của dự thảo bộ luật là không phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng cao của hành vi phạm tội, chưa đủ sức răn đe, không đảm bảo hiệu quả giáo dục và phòng ngừa, chống tội phạm ở nhóm đối tượng này và có thể tạo ra kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng người chưa thành niên để thực hiện tội phạm và dễ nảy sinh nhiều tiêu cực khác.

Xét về mặt hình thức của quy định pháp luật này thì việc bổ sung các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội vào BLHS sẽ dẫn đến mâu thuẫn, không công bằng về chính sách, không có sự phân hóa trách nhiệm hình sự, có sự chồng chéo, không đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Vì hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng có quy định các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính. Đó cũng là biện pháp nhắc nhở, quản lý tại gia đình… như một số biện pháp quy định trong Dự thảo BLHS (sửa đổi). Như vậy, với các đối tượng vi phạm khác nhau, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi hoàn toàn khác nhau mà xử lý như nhau, đó là áp dụng cùng một loại trách nhiệm pháp lý, cùng một loại biện pháp chế tài là không phù hợp.

Các biện pháp xử lý thay thế quy định trong dự thảo bộ luật đều mang tính chất hành chính dân sự, không phù hợp với bản chất của tội phạm, chế tài áp dụng đối với hành vi vi phạm pháp luật hình sự và tội phạm. Mặt khác, Dự thảo BLHS (sửa đổi) cũng chưa có quy định về cơ chế bảo đảm thực thi các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, do vậy tính khả thi của quy định này sẽ rất hạn chế.