Phước Bình: Nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững

(NTO) Phước Bình (Bác Ái) có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 1.000ha. Toàn xã có 6 thôn với 892hộ/4.168 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95% dân số. Những năm qua, địa phương đã xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả khả quan, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Đồng chí Phạm Phùng Bảo Châu, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Để thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, hằng năm, cấp ủy xã đều xây dựng nghị quyết chuyên đề và đặt ra chỉ tiêu giảm nghèo từ 6-8%. Để đạt được mục tiêu đề ra, xã đã lồng ghép các chương trình, chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế giúp người dân cải thiện thu nhập. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nhận thức, giúp họ tiếp cận các mô hình sản xuất mới, thay đổi tập quán canh tác không còn phù hợp, vươn lên thoát nghèo.

 
Nông dân Phước Bình thoát nghèo nhờ mô hình trồng chuối sứ.

Đến nay, địa phương đã hình thành và phát triển các mô hình kinh tế về trồng trọt, chăn nuôi, mang lại hiệu quả như: trồng bắp cao sản, chuối sứ, cây ăn trái, nuôi bò sinh sản… Trong đó, cây bắp đang được nông dân chuyển đổi rất hiệu quả với diện tích 600ha từ trồng bắp địa phương sang trồng các loại giống bắp lai G49, 919… cho năng suất mỗi vụ đạt 5-6 tấn/ha, thu lãi từ 10-15 triệu đồng. Cây chuối cũng được bà con tập trung phát triển với diện tích khoảng 650ha, năng suất đạt 50-60 tấn/năm/ha, cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng/ha. Hiện nay, cây bắp và cây chuối được xã xác định là cây trồng chủ lực để tập trung mở rộng diện tích. Ngoài ra, xã còn vận động bà con chuyển đổi vườn tạp sang trồng các loại cây ăn trái, cây lâu năm khác cho giá trị cao như: mít ruột đỏ, sầu riêng, bưởi da xanh, cà phê… mỗi năm cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm/ha.

Bên cạnh đó, việc phát triển chăn nuôi tăng đàn gia súc, gia cầm cũng được xã quan tâm đẩy mạnh. Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn xã có trên 5.000 con; trong đó, đàn bò 1.244 con, đàn heo 729 con, đàn gia cầm 3.451 con… đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho các hộ gia đình.

Cùng với việc định hướng cho người dân chuyển đổi mô hình sản xuất, xã còn chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, với tổng dư nợ 11 tỷ đồng. Từ những định hướng đúng của địa phương, không ít hộ dân đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo. Anh Đà Roát Hà Đông, thôn Bố Lang, cho biết: Gia đình có 5ha đất đồi núi chủ yếu trồng bắp địa phương, đậu xanh, nên năng suất đạt thấp. Thông qua các lớp tập huấn, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi 2ha đất sang trồng bắp lai và 2ha đất trồng chuối sứ, thu nhập ổn định, nên cuộc sống gia đình nay đỡ hơn trước rất nhiều. Với những giải pháp trên, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã mỗi năm giảm 5-6%, từ trên 50% (2010) giảm xuống 24,44% (2015).

Theo đồng chí Phạm Phùng Bảo Châu, thời gian tới, xã tiếp tục ra soát các hộ nghèo, cận nghèo để có hỗ trợ kịp thời, đúng hướng, giúp bà con thoát nghèo bền vững. Tiếp tục lồng ghép các chương trình, dự án vào phát triển kinh tế, tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay cho người nghèo. Vận động bà con nhân rộng những mô hình kinh tế hiểu quả; thành lập các nhóm đồng sở thích về cây bắp, chuối và nuôi bò sinh sản; liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân ổn định sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.