IAEA thành lập ngân hàng nhiên liệu hạt nhân đầu tiên trên thế giới

Ngày 27-8, tại thủ đô Astana của Kazakhstan, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã ký với nước này thỏa thuận thành lập ngân hàng urani làm giàu cấp độ thấp (LEU) đầu tiên trên thế giới để đảm bảo nguồn cung nhiên liệu cho các cơ sở điện hạt nhân và thúc đẩy chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Thỏa thuận thành lập ngân hàng trên đã được Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano (I-ư-ki-a A-ma-nô) ký với Ngoại trưởng Kazakhstan Erlan Idrissov (Éc-lan I-đri-xốp). Theo đó, ngân hàng urani làm giàu thấp sẽ được xây dựng tại nhà máy luyện kim Ulbin của thành phố Ust-Kamenogorsk (Út-Ca-me-na-go-rơ-xcơ), Đông Bắc Kazakhstan. Ngân hàng trên hoạt động theo luật pháp Kazakhstan, song IAEA chịu trách nhiệm vận hành và quản lý toàn diện. Tổng giá trị đầu tư vào ngân hàng LEU lên tới 150 triệu USD trích từ Quỹ "Sáng kiến giảm hiểm họa hạt nhân" (NTI), ngoài ra Mỹ đóng góp hơn 49 triệu USD, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - 10 triệu, Ủy ban châu Âu - 25 triệu, Kuwait - 10 triệu và Na Uy đầu tư 5 triệu USD.

Ngân hàng LEU dự kiến đi vào hoạt động đầy đủ từ năm 2017, tại đây IAEA sẽ trữ đồng vị urani-235 dưới dạng khí UF6 và được làm giàu đến 4,95%, đảm bảo nguồn cung ổn định và có thể dự liệu trước cho các cơ sở điện hạt nhân của các nước thành viên IAEA ngay cả khi các cơ chế cung cấp khác bị gián đoạn. IAEA sẽ là chủ sở hữu số nguyên liệu được dự trữ tại ngân hàng.

Trong một tuyên bố sau lễ ký, Ngoại trưởng Kazakstan nhấn mạnh thành lập ngân hàng urani làm giàu thấp là bước đi lịch sử và là "cơ chế an ninh độc đáo" cho thế giới. 

Theo TTXVN