Nghị định 67 của Chính phủ trợ lực giúp ngư dân vươn xa bám biển

 (NTO) Ngày 7-7-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Trong đó, có quy định chính sách tín dụng dành cho các tổ chức, các nhân (gọi tắt là chủ tàu) đặt hàng đóng mới tàu, nâng cấp tàu, phục vụ hoạt động khai thác thủy sản. Đây là chính sách lớn của Chính phủ nhằm hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đầu tư phát triển tàu cá theo hướng vươn khơi xa an toàn, hiệu quả. Ở tỉnh ta, Nghị định này đã được triển khai rộng rãi và bước đầu mang lại lợi ích cho ngư dân.

Ngư dân đã tiếp cận nguồn vốn

Với quyết tâm triển khai hiệu quả chính sách phát triển thủy sản theo tinh thần Nghị định số 67 của Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho Sở NN&PTNT và hệ thống Ngân hàng trong tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, khảo sát, hướng dẫn ngư dân hoàn thành các khâu từ đăng ký đến cung cấp hồ sơ pháp lý để thẩm định, giúp ngư dân được tiếp cận chính sách này trong thời gian sớm nhất. Qua gần một năm nỗ lực thực hiện, đến nay tỉnh ta có 13 dự án được duyệt đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đợt 1, với tổng số tiền được duyệt 78,95 tỷ đồng. Trong đó, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá 3 chiếc, với số tiền 24,85 tỷ đồng và tàu khai thác 10 chiếc, số tiền 54,1 tỷ đồng.

Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Trong số 13 hồ sơ được xét duyệt vay vốn đợt 1-2015, huyện Ninh Hải có 7 chiếc, với tổng kinh phí 51 tỷ đồng, chủ yếu thiết kế bằng vỏ Composite và vỏ gỗ bọc Composite; Tp.Phan Rang – Tháp Chàm có 6 chiếc, với tổng kinh phí 53,5 tỷ đồng, trong đó có 1 chiếc thiết kế bằng vỏ sắt. Ngoài số tàu nói trên, hiện nay huyện Thuận Nam đang đề nghị UBND tỉnh phê duyệt thêm 3 chiếc với tổng kinh phí 20,4 tỷ đồng; trong đó tàu hậu cần nghề cá 1 chiếc và tàu khai thác, đánh bắt 2 chiếc, tất cả đều làm bằng vỏ gỗ.

 
Ngư dân trong tỉnh đầu tư đóng mới tàu thuyền vươn khơi khai thác hải sản xa bờ. Ảnh: Văn Miên

Để giúp cho ngư dân sớm có vốn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu, ngày 8-8 vừa qua, Ngân hàng NN&PTNT- Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận (Agribank Ninh Thuận) đã tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân vốn vay đợt 1 cho 3 chủ tàu là các hộ: Dương Văn Thắng (ở khu phố 9, phường Mỹ Đông, Tp.Phan Rang- Tháp Chàm) và Nguyễn Đức Hải, Lê Minh Trí (ở thôn Mỹ Tân, xã Thanh Hải, Ninh Hải). Hiện con tàu vỏ sắt của ông Thắng đang được Công ty TNHH MTV đóng tàu Cam Ranh thi công, hai tàu còn lại do Viện nghiên cứu tàu thủy - Trường Đại học Nha Trang đóng. Điều đáng nói là cả 3 dự án nói trên đến nay đều đã được Agribank Ninh Thuận giải ngân 15% vốn vay theo đúng kế hoạch. Đối với các dự án đóng tàu còn lại, khi các chủ tàu hoàn thành việc lựa chọn cơ sở đóng tàu và ký hợp đồng, Agribank Ninh Thuận sẽ khẩn trương tổ chức thẩm định và hướng dẫn hoàn tất các thủ tục kịp thời phê duyệt giải ngân.

Mong sớm hạ thủy để vươn khơi

Khát vọng “đổi tàu to để ra biển lớn”, cuối năm 2014, ông Dương Văn Thắng, đã mạnh dạn xin vay 15 tỷ đồng từ Agribank Ninh Thuận để đóng con tàu vỏ sắt trị giá 15,8 tỷ đồng. Tháng 11 tới đây hoàn thành hạ thủy, con tàu của ông sẽ lớn nhất tỉnh ta đến thời điểm này, với chiều dài 28m, rộng 8m, chiều cao mạn 3,65m, chiều chìm 2,85m; tải trọng của tàu 261,2 tấn và công suất máy chính 829HP. Ông Thắng chia sẻ: Biết là sẽ nợ nần, nhưng đây là cơ hội lớn nên nếu không quyết tâm thì đến bao giờ mới thỏa ước nguyện. Tuy con tàu chưa hoàn thành, nhưng theo tính toán của ông Thắng, hiện nay cứ mỗi chuyến biển trên tàu cũ ông chỉ tốn tầm 20 – 30 triệu đồng thì sắp tới số tiền để mua nhiên liệu, hậu cần theo tàu mới phải lên đến khoảng 400 triệu đồng, tăng gấp từ 30-40 lần. Bù lại, số ngày bám biển gần cả tháng, thay vì chỉ đi từ năm ngày đến một tuần như hiện nay. Chưa hết, trước đây chỉ nghe báo có “gió mùa” là đã lật đật vào bờ, còn nay tàu của ông có thể chịu được sóng gió cấp 7, cấp 8.

Là con đầu trong gia đình, nên học xong lớp 9 là anh Lê Minh Trí theo phụ giúp cha vươn khơi. Con nhà “tông” nên anh Trí nhanh chóng quen với việc lênh đênh trên sóng nước và tiếp thu nhiều kinh nghiệm đi biển của các bậc cha chú. Vì thế, khi biết Chính phủ có chính sách cho vay vốn đầu tư đóng mới tàu, càng thôi thúc anh Trí quyết tâm thực hiện. Và nói là làm, tháng 10-2014, anh làm hồ sơ gửi Agribank Ninh Thuận xin vay 13 tỷ đồng để đóng tàu tải trọng 112,7 tấn. Anh Trí nhẩm tính rồi khẳng khái: Với khoản nợ và số tiền bỏ ra, mỗi chuyến ra khơi tôi phải kiếm từ 700 - 800 triệu đồng thì mới lo đủ mọi chi phí, nhưng tôi có niềm tin là làm được. Bởi đóng tàu này thì tất yếu phải đi ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, chứ đi quanh trong bờ thì đóng làm gì? Nhìn về phía cảng cá Mỹ Tân, những con tàu tấp nập vào ra, tôi tin rằng một ngày không xa nữa, con tàu mang tầm vóc được làm bằng vật liệu Composite với vốn đầu tư 13,7 tỷ đồng của anh sẽ lừng lững rẽ sóng ra khơi, mang luồng cá bạc về làm giàu cho gia đình, quê hương.

Nghị định 67 của Chính phủ là chính sách lớn của Nhà nước về quốc phòng và phát triển kinh tế biển. Do vậy, để thực hiện nhanh nhất việc giải ngân và hạ thủy các con tàu sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, theo ông Lê Văn Cương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam -Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, trước hết các ngư dân phải chủ động đến UBND các xã, phường, thị trấn hoặc các ngân hàng để được hướng dẫn về trình tự thủ tục đăng ký, xét duyệt. Bên cạnh đó, bà con cũng phải tìm hiểu kỹ tính năng, tác dụng của từng loại vật liệu: Sắt, Composite, gỗ để đóng cho phù hợp với quá trình sử dụng, cũng như lựa chọn mẫu tàu, cơ sở đóng tàu có khả năng tài chính, uy tín để con tàu có chất lượng tốt và đúng tiến độ theo quy định của Bộ NN&PTNT. Về phía ngân hàng sẽ thực hiện giải ngân kịp thời khi có kiểm định hoàn thiện từng hạng mục, phấn đấu ít nhất trong năm 2015 trong tỉnh có 4 con tàu được hạ thủy theo Nghị định 67 của Chính phủ, giúp ngư dân có điều kiện vươn khơi đánh bắt thủy sản và bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.