Hỏi- đáp: BHXH

Nghỉ hưu năm 2016 sẽ áp dụng theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014

* Hỏi: 

Tôi là giảng viên của một trường đại học công lập. Cuối năm 2016, tôi sẽ được nghỉ hưu theo quy định của Nhà nước. Khi tôi nghỉ hưu thì mức lương hưu hằng tháng của tôi được hưởng như thế nào và tôi cần phải làm hồ sơ như thế nào để được hưởng lương hưu?

* Trả lời:

Cuối năm 2016 bạn được nghỉ hưu theo quy định của Nhà nước. Do đó, hồ sơ hưởng lương hưu và mức lương hưu hằng tháng của bạn được áp dụng theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016.

Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 1 Luật này quy định về hồ sơ hưởng lương hưu đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

- Sổ bảo hiểm xã hội;

- Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hưởng chế độ hưu trí;

- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với người nghỉ hưu theo quy định tại Điều 55 của Luật này hoặc giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp đối với trường hợp người lao động quy định tại Điều 54 của Luật này.

Còn đối với mức lương hưu hằng tháng được quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:

Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

Từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

- Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

- Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

- Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

Mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 54 được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội như sau:

Đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này. Từ đủ 16 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm đóng tính thêm 2%.

Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này bằng mức lương cơ sở, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 54 của Luật này.

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại