CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Làm sao vươn ra “biển lớn”!

(NTO) Có thể nói, tỉnh ta đã rất “nổi tiếng” về nắng và gió nên đã có “khẩu ngữ” thật mà như đùa đó là “nắng như Rang, gió như Phan”.

Tuy nhiên, bù lại là chính những yếu tố bất lợi về thời tiết này đã được nông dân nhiều địa phương “khai thác” để trồng các cây đặc sản, nhất là nho, táo, tỏi đã trở nên nổi tiếng trong cả nước bởi hương vị đặc trưng chỉ có ở vùng xứ nóng cộng với phương pháp chăm sóc cây trồng khá đặc biệt. Điều đáng nói hơn cả là nhận thấy việc xây dựng “nhãn hiệu” cho các loại cây trái đặc sản này là cần thiết để tránh “chồng, lấp”, nhất là đối với thị trường mở như hiện nay, bên cạnh mặt tốt thì mặt trái đó là thật, giả thường lẫn lộn bởi một số người kinh doanh chỉ biết thu lợi thông qua đánh lừa người tiêu dùng.

Doanh nghiệp Quang Ninh chùm  tỏi trồng từ xã Nhơn Hải (Ninh Hải) đưa ra thị trường tiêu thụ.
Ảnh: Sơn Ngọc

Đến nay, chỉ dẫn địa lý về 3 giống cây đặc sản nói trên đã hoàn tất, nghĩa là “thương hiệu” đã được “cầu chứng” trên thương trường và được nhiều người biết đến, đón nhận. Thế nhưng, qua thực tế “đầu ra” của sản phẩm vẫn chưa thật sự “xuôi chèo mát mái” mặc dù sản lượng cũng chưa đủ lớn để đáp ứng cho thị trường quanh năm. Vì sao có tình trạng này?.

Đầu tiên, đó là tính liên kết sản xuất giữa người trồng-doanh nghiệp-thị trường chưa tạo thành “chuỗi” chặt chẽ để đạt lợi nhuận hài hòa cho các bên. Hiện tại thì người sản xuất cứ làm mà không nắm chắc thị trường tiêu thụ ra sao và gần như lệ thuộc hoàn toàn vào thương lái nên dẫn đến “mâu thuẫn” về lợi ích, cuối cùng người quyết định không phải là nông dân mà là “trung gian” thương lái cả về tiêu thụ lẫn giá cả. Điệp khúc “được mùa mất giá” và ngược lại thường xuyên diễn ra. Đó là chưa nói đến tình trạng khi vào vụ thu hoạch rộ người mua mặc sức ép giá nông dân để đạt lợi nhuận cao nhất. Thứ hai là khâu quảng bá thương hiệu chưa được người dân chú trọng. Tiếng là nho Ninh Thuận ngon nhưng hỏi ngay cả người dân trong tỉnh vùng nào trồng nho ngon nhất thì không mấy ai biết và cả người trồng nho cũng vậy, chưa thấy hết “giá trị” thương hiệu sẽ mang lại, có khi còn cao hơn cả giá trị sản xuất từ chính cây trồng!. Thứ ba, là sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP để bảo đảm sức khỏe, niềm tin… người tiêu dùng thì chưa được nhiều nông dân thực hiện đầy đủ.

Để nông đặc sản của tỉnh có thị trường ổn định, hướng đến xuất khẩu hay nói khác hơn là có thể ra “biển lớn” thì cả cơ quan chức năng lẫn người sản xuất cần nhận rõ những mặt còn hạn chế để khắc phục bằng chiến lược “dài hơi” thì mới mong có kết quả.