Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 1 -8

Sự kiện:

- Ngày 1-8: Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.Ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1-8”. Từ đó, ngày 1-8 trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng.Năm 2000, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) lấy ngày 1-8 làm Ngày Truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.Trải qua lịch sử 85 năm xây dựng và phát triển, cơ quan chuyên trách làm công tác tuyên giáo của Đảng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng.

- Ngày 1-8-1941: Báo “Việt Nam độc lập” ra số đầu tiên.Báo “Việt Nam độc lập” ra đời gắn liền với tên tuổi nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh và là một dấu ấn quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam. Nội dung của báo đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau: chính trị, quân sự, y tế, văn hóa, lịch sử… Trên tất cả các số báo đều có mục: Tin trong nước, tin thế giới và vườn văn. Báo đã kịp thời góp phần tuyên truyền các chủ trương của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, chỉ đạo và vận động đồng bào các dân tộc đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp, phát xít Nhật, giành độc lập tự do cho đất nước. Báo xuất bản 226 số. Số cuối cùng ra ngày 20-8-1945.

- Ngày 1-8-1949: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công” đăng trên báo Sự thật số 116, trong đó Người khẳng định: “Trong việc thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính. Khẩu hiệu thi đua ái quốc hiện nay là: Tất cả để chiến thắng. Chiến thắng thực dân. Chiến thắng giặc dốt. Chiến thắng giặc đói. Chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta...”.

- Ngày 1-8-1951: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Bài điếu đồng chí Hồ Tùng Mậu” đăng trên báo Nhân dân số 20, ra ngày 9-8-1951, với tình cảm “thân thiết hơn anh em ruột”: “Mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy. Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện. Đoàn thể mất một người đồng chí trung thành, và tôi mất một người anh em chí thiết. Mấy nguồn thương tiếc, cộng vào trong một lòng tôi!... Tôi lại hứa với chú: Toàn thể đồng sự và đồng chí sẽ cố gắng noi gương đạo đức cách mạng của chú đã tận trung với nước, tận hiếu với dân”.

- Ngày 1-8-1954: những người trí thức yêu nước ở miền Nam, trong đó có Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, thành lập "Phong trào bảo vệ hoà bình Sài Gòn - Chợ Lớn". Mục đích của phong trào được ghi rõ trong bản hiệu triệu: Muốn cho hoà bình ở Đông Dương được củng cố, quyền tự do dân chủ được bảo đảm, nước Việt Nam được thống nhất bằng tuyển cử tự do trong cả nước. "Phong trào bảo vệ hoà bình Sài Gòn - Chợ Lớn" là một tổ chức rộng rãi của mọi người Việt Nam yêu nước, tán thành thực hiện các điều khoản của hiệp định Giơnevơ.

- Ngày 1-8-1954: Giai cấp công nhân miền Nam phát động cuộc đấu tranh lớn bắt đầu bằng cuộc biểu tình của hơn 5.000 công nhân và nhân dân Sài Gòn- Chợ Lớn; 2.500 công nhân và nhân dân Đà Nẵng; gần 15.000 công nhân và nhân dân Huế hoan nghênh Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đòi trả chồng con bị bắt đi lính, trả tự do cho tù chính trị, trao trả hết tù binh.

- Ngày 1-8-1960: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại hội nghị các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc, Bác khẳng định: Đảng, Chính phủ và Nhân dân ta rất xem trọng vai trò phụ nữ và đó cũng là một thắng lợi của Nhân dân ta”.“Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”... ''Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các Bà mẹ Việt Nam anh hùng"... Đó là những lời đánh giá ngắn gọn, đầy đủ nhất của Bác về vị trí, vai trò và sự đóng góp của phụ nữ trong quá trình phát triển đất nước.

- Ngày 1-8-1995: Việt Nam lần đầu tiên dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) với tư cách là thành viên đầy đủ của ASEAN.

* Nhân vật:

- Ngày 1-8-1905: Ngày sinh của Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn. Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn quê gốc làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, Tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông sinh ngày 1-8-1905 tại Thành phố Vinh, Nghệ An. Xuất thân từ một gia đình công chức nghèo nên sớm giác ngộ cách mạng. Là một nhà giáo, nhà khoa học, ông đã đóng góp nhiều công sức xây dựng nền Giáo dục Việt Nam và nền Khoa học Xã hội Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến năm 1982. Ông mất ngày 9-12-1993, thọ 88 tuổi.

Theo TTXVN