Bác Ái qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện lần thứ XII

(NTO) Trong 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Bác Ái đã nỗ lực phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện đạt và vượt một số chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra. Nhìn tổng thể, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội được triển khai kịp thời, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện có hiệu quả, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

 
Một góc trung tâm huyện Bác Ái. Ảnh: V.M

Để phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, Bác Ái xác định cơ cấu kinh tế theo hướng: Nông-lâm nghiệp; tiểu thủ công nghiệp-xây dựng và thương mại-dịch vụ. Theo đồng chí Phạm Văn Sâm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bác Ái, nhận diện được tiềm năng, lợi thế của huyện, bước đầu Bác Ái khai thác và huy động hiệu quả nguồn lực của xã hội để xây dựng nông thôn mới, gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững. Do nông, lâm nghiệp giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế, Bác Ái quan tâm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và triển khai nhiều mô hình sản xuất mới, có hiệu quả kinh tế cao từ các nguồn vốn hỗ trợ thuộc Chương trình 30a, 135... giúp ngành Nông nghiệp huyện đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 19,93%. Qua khai hoang, phục hoá, cải tạo ruộng bậc thang từ nguồn vốn hỗ trợ thuộc NQ 30a, Bác Ái đã nâng diện tích đất chủ động nước tưới lên trên 4.000ha, tăng gấp 2 lần năm 2010. Chăn nuôi được tiếp tục khẳng định thế mạnh trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp và có nhiều tiềm năng để phát triển. Tổng đàn gia súc hiện có 55.950 con, trong đó đàn trâu, bò có trên 17.600 con, tăng 14,5% so với năm 2010 (trung bình mỗi hộ có 2,8 con trâu, bò); đàn dê, cừu có 7.640 con với xu hướng tăng trở lại; đàn heo tăng nhanh, hiện có 14.212 con, chủ yếu nuôi theo hình thức gia công.

Do đặc thù huyện miền núi, công nghiệp Bác Ái chưa hình thành rõ nét, còn tiểu thủ công nghiệp chủ yếu là mộc dân dụng và các nghề truyền thống, giá trị sản xuất thấp, chiếm tỷ trọng không đáng kể trong nền kinh tế. Ngược lại, lĩnh vực xây dựng đang phát huy hiệu quả, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đã từng bước đem lại tác dụng, phục vụ tốt hơn cho sản xuất và đời sống dân sinh, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại. Hoạt động thương mại-dịch vụ tăng trưởng khá nhanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu của Nhân dân; tổng mức bán lẻ hàng hóa hiện tăng 40% so với năm 2010. Đến nay, trên địa bàn huyện có gần 600 điểm kinh doanh, buôn bán tư nhân; 2 cây xăng, 3 đại lý bán xe gắn máy, 4 doanh nghiệp xây dựng và 5 hợp tác xã dịch vụ.

 
Thực hiện chuyển đổi cây trồng, huyện Bác Ái đã hình thành khu vực trồng mì
cao sản tập trung tại xã Phước Đại. Ảnh: Văn Miên

Tính trong 5 năm, với tổng nguồn vốn thực hiện hơn 406 tỷ đồng, các chính sách đầu tư hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới đã tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của huyện Bác Ái. Công tác đào tạo nghề nông thôn, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, gắn với tạo việc làm cho người dân được quan tâm thực hiện; hàng năm đã giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động, giảm tỷ lệ nghèo bình quân trên 8%. Đặc biệt chất lượng giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa-xã hội tiếp tục phát triển; đã giải quyết cơ bản tình trạng nhà ở tạm bợ cho người dân. Việc điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo và tăng cường đội ngũ trí thức trẻ về giúp cơ sở theo NQ 30a đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững quốc phòng - an ninh.

Tuy nhiên do bối cảnh khó khăn tác động, bên cạnh kết quả đạt được, Bác Ái có 5/7 chỉ tiêu về kinh tế không đạt, trong đó có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với chỉ tiêu NQ Đại hội XII đã đề ra. Việc thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư; thu nhập bình quân đầu người đạt thấp; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao và giảm nghèo chưa bền vững. Để khắc phục, trong hướng phát triển mới của nhiệm kỳ 2015-2020, Bác Ái đề ra mục tiêu chung là tranh thủ mọi nguồn lực xã hội, từng bước khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững; xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020, Bác Ái đạt tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất bình quân hàng năm từ 15% trở lên, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 5-6%, thu nhập bình quân đầu người 18 triệu đồng/người/năm và có 3 xã đạt tiêu chí nông thôn mới.

Về giải pháp, trong 5 năm tới, xác định nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế, cùng với nâng diện tích canh tác chủ động nước lên 5.000ha, Bác Ái chú trọng nâng tỷ trọng giá trị ngành chăn nuôi gia súc theo mô hình kinh tế hộ gia đình và trang trại. Đặc biệt để tạo bứt phá mới, Bác Ái quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Phước Tiến, với quy mô diện tích trên 50ha theo quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện.

Đồng chí Phạm Văn Hoa

Bí thư Huyện ủy Bác Ái

Đại hội Đảng bộ huyện Bác Ái lần thứ XIII là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa quan trọng và nhiệm vụ hết sức to lớn, đó là: Toàn Đảng bộ phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ và tinh thần trách nhiệm cao nhất để thảo luận, đánh giá vai trò lãnh đạo, điều hành của cấp ủy; nhìn nhận và khẳng định những chuyển biến tích cực, bước phát triển mới cũng như mặt hạn chế, tồn tại của huyện nhà qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010-2015 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, nhất là về chất lượng đội ngũ cán bộ; xác định đâu là mô hình, bước đi mới trong phát triển kinh tế; đổi mới công tác vận động quần chúng, nâng cao nhận thức và mặt bằng dân trí; xây dựng tổ chức Đảng ở cơ sở thực sự vững mạnh…

Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm, trí tuệ và phát triển, tôi tin tưởng rằng, các đại biểu sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2015-2020 trên từng lĩnh vực cụ thể và chọn bước đi phù hợp với những giải pháp có tính khả thi, thực hiện thắng lợi mục tiêu xuyên suốt là giảm nghèo nhanh và bền vững n

Đồng chí Chamaléa Phôi

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bác Ái

Phải khẳng định rằng Bác Ái hôm nay có nhiều đổi mới: Kết cấu hạ tầng được đầu tư khang trang; giao thông, thủy lợi, điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt đã đến với người dân; kinh tế phát triển, đời sống Nhân dân được cải thiện. Đó là kết quả của sự tập trung lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ của Mặt trận, đoàn thể, sự nỗ lực của Nhân dân.

Tại Đại hội lần này, tôi tin tưởng với ý chí quyết tâm cao, phát huy truyền thống đoàn kết, Đại hội sẽ xác định đúng đắn mục tiêu, giải pháp đột phá mới về kinh tế-xã hội gắn với xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Khi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII được thông qua, tôi cũng đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa mới phát huy năng lực, tạo bước đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; đưa kinh tế- xã hội huyện nhà phát triển, Nhân dân được hưởng thụ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đem lại hiệu quả trong giảm nghèo, cải thiện đời sống, giảm dần sự chênh lệch về dân sinh, dân trí giữa các vùng, miền trong tỉnhn

Đồng chí Nguyễn Văn Cảnh

Bí thư Đảng ủy xã Phước Bình

Trước thềm Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Phước Bình một lòng hướng về Đại hội với niềm tin vào sự đoàn kết, đổi mới và phát triển của Đại hội lần này. Tinh thần Đại hội đã được Đảng bộ xã tập trung chỉ đạo tuyên truyền rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân địa phương, nhiều hoạt động văn hóa, thể dục- thể thao chào mừng Đại hội được tổ chức.

Tại Đại hội lần này, tôi mong muốn các đại biểu tập trung trí tuệ, sáng suốt lựa chọn những đảng viên ưu tú, đủ đức, đủ tài bầu vào BCH Đảng bộ huyện. Từ đó chỉ đạo, dẫn dắt, cùng với Nhân dân tìm ra những giải pháp thiết thực để xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển. Là một huyện miền núi, nên việc lựa chọn đưa vào thí điểm các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp là rất quan trọng. Nhiệm kỳ tới, huyện cần chú trọng và quan tâm hơn nữa đến vấn đề này, từ đó giúp người dân có điều kiện áp dụng những mô hình sản xuất mới để chuyển đổi hiệu quả cây trồng, vật nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững.

D.My - N.Sơn(thực hiện)

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu (2010 - 2015)

Kinh tế:

- Tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất bình quân hàng năm 11,7%, đạt 68,82% KH. Trong đó, nông-lâm sản tăng 19,93%; tiểu thủ công nghiệp-xây dựng tăng 1,13%; thương mại-dịch vụ tăng 11,32%.

- Tổng sản lượng lương thực đạt 24.740 tấn, đạt 92% KH, tăng 36,3% so với năm 2010 (trong đó lúa 8.000 tấn, đạt 74% KH, tăng 56,4 % so với năm 2010).

- Tổng đàn gia súc ước đạt 55.950 con, trong đó: đàn trâu, bò là 17.640 con, đạt 95,4% KH, tăng 14,5% so với năm 2010.

- Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 5,2 tỷ đồng, đạt 43,3% KH, giảm 22% so với năm 2010.

- Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 10 triệu đồng.

Văn hóa - Xã hội:

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 25%, giảm 21,36% so với năm 2010.

- Có 7 đơn vị trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 116% KH.

- Tạo việc làm mới cho 6.132 lao động, đạt 94,3% KH, tăng 29% so với giai đoạn trước. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, tập huấn đạt trên 45%.

- Có 3 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt 60% KH.

- Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên 1,6%, giảm 0,15% so với năm 2010.

- Có 34% thôn đạt chuẩn thôn văn hóa, trên 98% cơ quan, đơn vị văn hóa, 70% gia đình văn hóa.

- Trên 80% dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Công tác xây dựng Đảng:

- Có 61,14% tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, đạt 76,43% so với chỉ tiêu Nghị quyết (trong đó khối xã đạt 56,67%);

- 70,34% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt 87,93% so với chỉ tiêu Nghị quyết;

- Kết nạp đảng viên mới 332 đồng chí, đạt 132,8% so với chỉ tiêu Nghị quyết.

- 56,32% cán bộ chuyên trách, công chức xã đạt chuẩn đạt 93,87% chỉ tiêu Nghị quyết.

Dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020

Kinh tế

- Tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất bình quân hàng năm từ 15% trở lên.

- Tổng giá trị sản xuất đạt 1.400 tỷ đồng. Trong đó, nông-lâm nghiệp 774 tỷ đồng, chiếm 55%; công nghiệp, TTCN-xây dựng 140 tỷ đồng, chiếm 10%; thương mại-dịch vụ 486 tỷ đồng, chiếm 35%.

- Thu nhập bình quân đầu người: 18 triệu đồng/người/năm.

- Thu ngân sách trên địa bàn 15 tỷ đồng.

- Tổng sản lượng lương thực 40.000 tấn.

- Quy mô đàn gia súc 65.000 con. Trong đó, đàn trâu, bò 20.000 con.

- Huy động vốn đầu tư trên 1.044 tỷ đồng.

- Phấn đấu có 3 xã đạt tiêu chí Nông thôn mới.

Văn hóa - xã hội

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 5-6%.

- Phấn đấu 19 trường học đạt chuẩn quốc gia.

- Giải quyết việc làm 6.500 lao động; tỷ lệ lao động nông thôn qua tập huấn, đào tạo nghề trên 50%.

- 6 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

- Tỷ lệ tăng dân số 1,5%.

- Có 60% số thôn đạt chuẩn thôn văn hóa;

- 85% hộ dân sử dụng nước sạch.

Xây dựng Đảng

- 90% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ; 50% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh, trong đó có 2-3 xã.

- 80% đảng viên xếp loại đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

- Kết nạp 300 đảng viên mới.

- 100% cán bộ chuyên trách, công chức xã đạt chuẩn.