Vấn đề hôm nay:

Phát huy đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”!

(NTO) Cách đây 68 năm, ngày 27-7-1947 được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Ngày Thương binh toàn quốc (sau được đổi là Ngày Thương binh - Liệt sĩ). Đây là ngày cả nước thể hiện sự biết ơn và tình cảm sâu sắc đối với những người có công (NCC) với cách mạng, những người đã chiến đấu, hy sinh tính mạng và một phần xương máu của mình vì nền độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân. Ngày này cũng đã đi vào lịch sử đất nước như một “dấu ấn” nhắc nhở toàn Ðảng, toàn dân ta phát huy hơn nữa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” - đạo lý nhân văn cao đẹp của dân tộc.

Đoàn viên, thanh niên thắp hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ. Ảnh: Văn Miên

Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ về công tác đền ơn, đáp nghĩa, những năm qua, toàn Đảng bộ, toàn quân và nhân dân trong tỉnh luôn ra sức đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực, tạo sự lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp... tích cực, chủ động tham gia, với các hoạt động như nuôi dưỡng, chăm sóc Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; xây dựng mới và sửa chữa nhà tình nghĩa; đỡ đầu con em thương binh, liệt sĩ; trợ cấp, hỗ trợ thường xuyên các gia đình chính sách…đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng. Chỉ tính công tác vận động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, bình quân hàng năm cả 3 cấp đã huy động đóng góp trên 3 tỷ đồng. Với nguồn lực này đã sử dụng xây dựng, sửa chữa nâng cấp nhà tình nghĩa; hỗ trợ NCC, thân nhân NCC khó khăn khi ốm đau, bệnh tật; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; nâng cấp, sửa chữa, tu bổ đài tưởng niệm liệt sỹ… Đến nay, toàn tỉnh có gần 100% số hộ gia đình NCC có mức sống ngang bằng và cao hơn mức bình quân nơi cư trú...

Việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sỹ được tỉnh ta quan tâm chăm lo trọn vẹn, nghĩa tình. Cùng với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và các địa phương đã quy tập, đưa hài cốt liệt sỹ về Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh để tỏ lòng hiếu kính với những người đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được hiện vẫn còn một bộ phận người có công đang gặp khó khăn trong cuộc sống, nhất là ở miền núi-vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách dành cho người có công có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức… Do vậy, trong thời gian tới với mục tiêu đảm bảo cho NCC có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; tạo điều kiện cho NCC phát huy tốt khả năng lao động vào việc phát triển kinh tế và tham gia các hoạt động xã hội; để NCC tiếp tục phát huy phẩm chất, truyền thống cách mạng phục vụ sự nghiệp đổi mới của đất nước…theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI của Ðảng, yêu cầu đặt ra là cần nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo của Ðảng trong công tác thương binh, liệt sỹ. Ðiều quan trọng nhất là, mỗi tổ chức đảng, mỗi đảng viên phải hăng hái, gương mẫu đi đầu trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giải quyết tốt các công việc tồn đọng trong chiến tranh để cho các gia đình chính sách được hưởng đầy đủ quyền lợi, chế độ chính sách đãi ngộ của Ðảng, Nhà nước, không bỏ sót trường hợp nào. Tiếp tục động viên, khuyến khích cộng đồng tích cực, chủ động tham gia chăm sóc, đền ơn đáp nghĩa NCC với nước bằng những việc làm thiết thực. Tạo điều kiện thuận lợi giúp các gia đình chính sách vượt qua khó khăn, tự chăm lo đời sống của bản thân và gia đình. Kịp thời động viên, khen thưởng gương thương-bệnh binh, gia đình NCC tiêu biểu tham gia sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, gương con em thương-bệnh binh vượt khó học giỏi.. góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh…

Thiết nghĩ, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, chung tay, góp sức chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần cho NCC đầy đủ hơn, ấm áp hơn… đây vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của cả cộng đồng và toàn xã hội để phong trào “toàn dân đền ơn đáp nghĩa” trở thành công việc thường ngày.