Chuyện những lá thư

(NTO) Suốt bao mùa chiến dịch, những người lính vận tải như con thoi ngày đêm xuôi ngược trên tuyến đường độc đạo. Tuyến đường núi non trùng điệp, sông suối như bàn cờ, có vùng mây ấp núi, rừng phủ sương dày, quanh năm giá lạnh. Địch ra sức càn quét, đánh phá ác liệt ngày đêm. Những chiến sĩ vận tải Đoàn H.50 không ai rời trận địa. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên, chống chọi với kẻ thù không thể không nói đến gian khổ, thiếu thốn. Nhưng gian khổ, thiếu thốn về vật chất có bồi bù đắp được. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ người thân không có gì thay thế được. Sau những lá thư đi, càng chờ, càng đợi “rất dài và lại rất xa”, mong tin nhà như trời hạn mong mưa.

Ai đã từng nếm trải vị đắng cay, gian khổ thì không thể quên câu ca “Muối trường kỳ, mì chiến lược–Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” của Khu 6 yêu thương. H.50 cũng vậy, từng cung đường, cứ ở, lực lượng, binh khí, kỹ thuật… đi đâu, làm gì tất cả bí mật nên những lá thư gởi đi đều phải được kiểm tra, kiểm duyệt. Sau khi về làm trợ lý chính trị của Đoàn, tôi có dịp đọc nhiều lá thư. Thư đi ra Bắc, thư vào miền Tây, miền Đông Nam Bộ. Nhiều nhất là về Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Tuyên Đức, có cả vùng giải phóng, vùng kiểm soát của địch. Đa số chị em học cấp 1, ít người học cấp 2, có người mới biết chữ khi đến Đoàn (học văn hóa ban đêm). Thư viết không có địa danh. Mở đầu thường dùng từ “Hôm nay”. Hôm nay ngày nghỉ… Hôm nay trên đường hành quân viết vội. Thư không câu nệ từ ngữ, chính tả, câu cú, nghĩ gì viết nấy. Người nhiều chữ viết dài, người ít chữ viết ngắn. Thư gởi về gia đình nói lên sự thương nhớ da diết những ngày tháng xa cách, còn căm thù uất hận thì đổ lên đầu bọn bán nước, cướp nước. Thư nào cũng đầy dũng khí “Con nguyện giữ vững truyền thống cách mạng của quê hương… sẵn sàng nhận nhiệm vụ, đi bất cứ nơi nào tổ chức cần… sẵn sàng hy sinh. Cách mạng nhất định thắng lợi… Một ngày không xa gia đình ta nhất định sẽ sum họp…”. Đối với bạn bè, động viên nhau vượt qua gian khổ ác liệt, xứng đáng với truyền thống hào hùng của dân tộc, cha anh đi trước… Hẹn gặp nhau ngày toàn thắng… Với người yêu thì vòng vo. Muốn nói yêu mà không nói được, mượn chuyện người kia để nói chuyện người này. Nói xa, nói gần… Nói đi, nói lại... “Rồi một mai… anh về quê em, em về quê anh… Có nhãn lồng Hưng Yên… Hà Tây quê lụa… Miền Đông gian lao mà anh dũng… Có dòng sông tắm mát quanh năm… Có sầu riêng, măng cụt… Quê em có rừng Ô-rô tắm lửa, có dông thềm nấu canh dưa hồng… Có biển, sóng vỗ quanh năm… Có cá mòi, cá nục… Lòng biển quê em hang ấm còn nhiều… Đà Lạt ngàn hoa bốn mùa khoe sắc…”. Họ nói với nhau bằng ký ức quê hương, bằng sự chờ đợi ngày chiến thắng, sự pha trộn giữa tình yêu đôi lứa với tình yêu Tổ quốc “Chúng ta cùng đi đến ngày chiến thắng. Chúc anh sức khỏe, chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công. Các em đưa được viên đạn về đến chiến trường phải qua trăm sông, ngàn suối, vạn đèo, không chỉ có mồ hôi mà có cả máu và nước mắt… Em luôn nhớ về anh… Anh hãy nhớ một viên đạn phải lấy một mạng quân thù…”.

 
Đơn vị vận tải H.50 tải đạn phục vụ chiến trường.

Hầu như không có lá thư nào lời lẽ mềm yếu nhưng người đọc thấy lòng rười rượi. Thương nhất là những lời dối cha, dối mẹ. Đang nằm điều trị tại bệnh xá mà nói con vẫn khỏe. Những cơn sốt rét rừng quần nát cơ thể, da xanh tím tái mà nói con không bệnh đau gì… Quần áo, vật dụng thiếu thốn lại nói đủ rồi nhà đừng lo… Nhớ nhà buồn muốn khóc lại nói trên này vui lắm. Vết thương chưa lành mà nói con đang trên đường hành quân… Ngoài những lá thư giấy trắng mực đen, H.50 còn có lá thư tình đầy chất lãng mạn, giống như tiểu thuyết “Đẹp như hoa hồng-Cứng hơn sắt thép”.

Sau bữa cơm chiều, Nguyên (Lê Thị Nguyên) gặp tôi nói nhỏ: “Anh đến em chơi, em nói chuyện này hay lắm”. Hơn một giờ đông hồ tâm sự, Nguyên cho tôi xem những lá thư Phương viết (Nguyễn Phương) từ chiến trường, nhiều thư có tái bút gởi lời thăm tôi (Tôi và Phương là bạn thân cùng trung đội, Phương về chiến trường còn tôi ở lại). Vì ở xa, hơn nữa tôi là trợ lý chính trị phụ trách công tác thanh niên nên khó cho Nguyên chuyển lời. Trong những lá thư tôi xem có chuyện lạ, có lẽ không có tiền lệ. Đã gần 40 năm, tôi còn nhớ như in trong thư Phương viết: “Có phải Nguyên nhắn tin cho Phương trên đầu đạn B.40 không?”. Nguyên kể cho tôi nghe chuyện hai người quen nhau. Lúc chia tay về chiến trường, Phương ngỏ lời yêu Nguyên. Nguyên nói vì quá đột ngột nên không thể trả lời ngay được.

Rồi một ngày cuối thu năm 1972, đơn vị chuyển hàng về chiến trường. Nguyên được phân công mang đạn B.40 và hàng được đưa về doanh trại. Tối hôm đó, Nguyên không ngủ được, vừa mừng, vừa lo. Lo đường xa hàng nặng, mừng được nhìn và hít thở không khí đồng bằng, gặp người quen, biết đâu được tin nhà, tin người mình yêu. Đêm ấy, Nguyên nghĩ bâng quơ, lãng mạn làm một việc con tim mách bảo.

Trong ánh đèn tù mù, Nguyên dùng kẹp tóc của mình nắn nót khắc lên đầu đạn B.40 từng chữ một (Đầu đạn B.40 có phủ một lớp sơn nếu dùng vật nhọn bằng kim loại sẽ khắc được chữ lên lớp sơn). Theo Nguyên kể, dòng chữ gởi cho Phương “Nguyên được kết nạp Đảng. Gởi anh quả đạn này. Chúc anh sức khỏe, hẹn ngày chiến thắng”. Còn hàng chữ sau cùng là tên của hai người lồng vào nhau “Phươnguyên”. Không tin được nhưng đó là sự thật. Cách xa ngàn dặm, vượt qua biết bao đèo dốc, suối sâu, đèo cao khắp chiến trường Khu 6. Hàng trăm xạ thủ B.40 nay đây, mai đó nhưng người xạ thủ B.40 tên Phương lại nhận được quả đạn mà chính người mình yêu viết thư trên đó và từ ấy hai người yêu nhau. Qua câu chuyện, tôi như bị ám ảnh. Mỗi lần sinh hoạt thanh niên, tôi không còn nói: “Các bạn hãy khoan yêu”. Khoan cưới, khoan sinh con có thể làm được, còn khoan yêu có mấy ai “Hoa đến mùa thì hoa nở”, tình yêu có tiếng nói riêng do hai con tim mách bảo. Chuyện của bạn như chuyện của mình. Tôi cầu ước kết thúc chiến tranh, ba chúng tôi còn sống để kể cho bạn bè, đồng đội chuyện lá thư tình hiếm có này. Song ước mong đó không thành sự thật. Mối tình của đôi bạn có kết cục buồn. Phương hy sinh trên chiến trường Đà Lạt. Còn Nguyên-người con gái miệt vườn Đại Nẫm, Phan Thiết, thùy mỵ, dịu dàng, hết lòng với công việc, đồng chí, đồng đội sau khi bị thương, đưa về trạm phẫu thuật, Nguyên nói: “Em không thể sống được, các anh dành thuốc cho thương binh khác”. Trước lúc nhắm mắt ra đi, Nguyên nhờ người bên giường bệnh chải lại mái tóc. Và Nguyên vĩnh viễn nằm lại trên chốt chặn 142 đường 20 sau ngày ký Hiệp định Pa-ri năm 1973 .

Tám năm, khoảng thời gian không dài so với đời người nhưng tám năm ấy là tám năm họ hiến trọn tuổi thanh xuân, đem hết sức lực và xương máu cùng cả dân tộc đánh đuổi kẻ thù, giải phóng đất nước. Mỗi con người ấy là một pho tiểu thuyết. Những lá thư họ viết nếu cắt bỏ phần tên cụ thể là lời thề của tuổi trẻ lên đường đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, quê hương. Ở đó đầy ắp tình thương yêu gia đình, người thân, đồng bào, đồng chí. Tình yêu của họ trong sáng, lãng mạn, mãnh liệt, có cả máu và nụ hôn. Với lòng nhiệt huyết cách mạng, sức sống của tuổi trẻ đã biến đôi vai bé nhỏ, mềm yếu, những “Gót son mời mọc” thành chân đồng, vai sắt “Vai trăm cân–chân vạn dặm”. Người lính vận tải H.50 ngày ấy họ xứng đáng mang tên gọi “Người vác sông núi trên vai”.

(Trích Truyện ký H.50 ngày ấy)