Phổ điểm chứng minh thành công của kỳ thi THPT quốc gia 2015

Đại diện các trường đại học ở cả 3 top trên, giữa và top dưới đều có những nhận định tích cực về kỳ thi THPT quốc gia năm nay thông qua phổ điểm Bộ GD&ĐT mới công bố.

 Chuyên gia đến từ các trường cũng đồng thời đưa ra những phân tích, dự đoán về điểm chuẩn xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay, dựa trên thông tin từ phổ điểm này.

PGS. TS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Kỳ thi phản ánh khách quan chất lượng dạy học

Bộ GD&ĐT vừa công bố phổ điểm kỳ thi THPT quốc gia 2015. Với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, có trên 70% bài thi đạt từ 5 điểm trở lên.

Qua phổ điểm Bộ GD&ĐT công bố, có thể thấy, kết quả thi THPT quốc gia năm nay đã phản ánh khách quan hơn, sát thực hơn rất nhiều các kỳ thi trước đây về chất lượng dạy và học ở THPT. Do đó, kết quả này cũng là một cơ sở để Bộ GD&ĐT có thể đánh giá khách quan chất lượng đào tạo ở THPT. Tôi cho đó là thành công của kỳ thi năm nay.

Liên quan đến xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay, một số chuyên gia dự báo, việc phân loại học sinh kém và giỏi rất dễ, nhưng khá khó để phân loại mức khá, trung bình khá. Bởi vậy, các trường ở top giữa, dù vẫn tuyển sinh được nhưng khâu xét tuyển sẽ gặp một số khó khăn nhất định do điểm chuẩn giữa các ngành sẽ rất gần nhau hoặc nhiều trường có điểm chuẩn giống nhau.

TS Hoàng Đức Bình – Giám đốc truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen: Dự đoán điểm chuẩn xét tuyển sẽ tăng

Tôi không đánh giá phổ điểm vì nó đã quá rõ. Bộ GD&ĐT cũng đã có nhận định về nội dung này.

Tôi xin có vài dự báo điểm xét tuyển và trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm nay.

Với phổ điểm này sẽ tạo điều kiện tốt cho các trường lựa chọn thí sinh, vì số thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên, hoặc tổ hợp 3 môn có điểm bình quân 5 điểm trở lên rất dồi dào.

Với điểm như vậy, dự đoán điểm trúng tuyển của các trường sẽ có thể tăng từ 1-3 điểm tuỳ trường và tuỳ ngành.

Tuy nhiên, phổ điểm Ngoại ngữ lệch xa về phía trái với đa phần dưới 3,5 điểm sẽ khá khó khăn cho các trường khi tuyển theo tổ hợp xét tuyển A1 hoặc D1.

So với các tổ hợp xét tuyển khác trong cùng ngành, có thể điểm trúng tuyển của hai tổ hợp xét tuyển này sẽ thấp hơn.

Trong trường hợp này, thí sinh có điểm Ngoại ngữ cao có thể rất lợi thế khi xét tuyển do điểm trúng tuyển có thể thấp hơn và còn do nhiều ngành xét tuyển có nhân đôi hệ số môn Ngoại ngữ.

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Hùng, nguyên là Hiệu trưởng Trường ĐH Xây Dựng Hà Nội, Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh: Kỳ thi sẽ tác động tích cực trở lại việc dạy học trong nhà trường

Có thể nói, kết quả thi năm nay đã phản ánh được thực tế giáo dục ở các vùng miền khác nhau, các khu vực khác nhau. Cụ thể, khu vực nông thôn, miền núi, thành thị, khu vực giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên..., kết quả đều sát với thực tế dạy học trong nhà trường.

Điều đó thể hiện đề thi, việc coi thi, chấm thi kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo tính khách quan, nghiêm túc.

Riêng phổ điểm môn Toán, điểm số rơi nhiều vào hoảng từ 5 đến 6 điểm; tỷ lệ điểm cao ít ngày càng ít đi. Chứng tỏ đề thi tốt, phân loại được thí sinh, đáp ứng được 2 mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên, sẽ là tốt hơn nếu phổ điểm tạo được phần từ 4,5 đến 6,5 nhiều hơn nữa.

Nói tóm lại, sau kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên được tổ chức, chúng ta có thể tương đối hài lòng. Với cách thi như vậy, cùng với sự hoàn thiện dần một số khâu khác nữa, chắc chắn sẽ giảm nhẹ được gánh nặng cho phụ huynh, học sinh, nhà trường và xã hội.

Đồng thời, tránh tình trạng học thêm, luyện thi, làm cho trách nhiệm của nhà trường phổ thông lớn hơn. Làm cho học sinh tăng ý thức tự học cũng như nỗ lực mạnh hơn. Cách thi như vậy cũng sẽ tác động mạnh mẽ trở lại cách dạy, cách học trong nhà trường phổ thông, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục thực chất.

Nguổn: Báo Giáo dục & Thời đại