Nhóm đồng sở thích trồng lúa thôn Gò Đền: Hướng đến áp dụng mô hình "1 phải, 5 giảm" trên cây lúa

(NTO) Thôn Gò Đền (xã Tân Hải, huyện Ninh Hải) có 137 hộ, với 506 nhân khẩu, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Phát huy lợi thế ở ven đầm Nại, trước đây, bà con tổ chức nuôi, trồng thủy sản cho thu nhập khá.

Tuy nhiên những năm gần đây nuôi, trồng thủy sản gặp khó khăn do môi trường mặt nước bị ô nhiễm, nhiều diện tích ao đìa ngưng sản xuất. Do đó, nguồn thu nhập của các hộ dân hiện nay chủ yếu từ trồng lúa nước, với tổng diện tích canh tác mỗi năm là 330ha. Song, sản xuất lúa ở thôn còn mang tính riêng lẻ, manh mún, năng suất chưa cao.

Để thúc đẩy trồng lúa nước phát triển tập trung trên quy mô lớn, đầu năm 2015, Ban Phát triển xã đã thành lập Nhóm đồng sở thích trồng lúa thôn Gò Đền gồm 20 hộ, trong đó có 9 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo và 2 hộ trung bình. Khu vực trồng lúa của nhóm ở cánh đồng Tài Rui, với tổng diện tích 2,5ha. Trước đây “mạnh ai nấy làm” nên gặp khó khăn trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Từ khi thành lập nhóm, các hộ thực hiện “5 cùng” (cùng thời vụ, cùng loại giống, cùng chăm sóc, cùng phòng trừ sâu bệnh và cùng thu hoạch) tạo được chuyển biến tích cực, năng suất lúa tăng từ 6,5 tấn/ha lên 7 tấn/ha, qua đó đã nâng cao được giá trị đơn vị sản xuất.

 
Anh Bùi Minh Để, Trưởng Nhóm đồng sở thích trồng lúa thôn Gò Đền kiểm tra, theo dõi quá trình phát triển của cây lúa.

Từ kết quả đạt được bước đầu trên cánh đồng “5 cùng” tạo sơ sở để nhóm xây dựng Dự án Nâng cao thu nhập đề nghị Quỹ Tài trợ Dự án cạnh tranh nhỏ (Quỹ CSG) hỗ trợ nhằm tạo ra cơ hội sinh kế bền vững cho thành viên nhóm. Theo đó, để tạo thêm thu nhập cho các thành viên, các hộ nghèo, nhóm đã xây dựng kế hoạch áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” vào sản xuất lúa. Anh Bùi Minh Để, Trưởng nhóm, cho biết: Thực hiện mô hình “1 phải, 5 giảm” rất có lợi, giảm được nhiều chi phí đầu vào. Hình thức sản xuất tập trung thuận lợi cho áp dụng máy móc trong khâu làm đất, gieo sạ, thu hoạch, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn.

Thuận lợi của nhóm để tiến hành thực hiện mô hình là có sự nhất trí cao của 20 hộ thành viên. Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp huyện cũng đã mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật sản xuất lúa theo mô hình cho các thành viên. Cụ thể, đã tập huấn khâu làm đất, gieo sạ tập trung; chăm sóc, sử dụng phân bón đạt năng suất cao, phương pháp diệt trừ sâu bệnh hại lúa theo nguyên tắc “4 đúng”; thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm thông qua ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Dự án Hỗ trợ Tam nông cũng đã đầu tư xây dựng sân phơi để khắc phục tình trạng bán lúa tươi với giá thấp như trước đây. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của nhóm là thiếu kinh phí thực hiện mô hình. Theo anh Bùi Minh Để, để thực hiện mô hình, nhóm cần nguồn kinh phí khoảng 100 triệu đồng đầu tư mua dụng cụ sạ hàng, vật tư nông nghiệp. Hiện nay, hầu hết các hộ mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… bằng hình thức trả chậm, qua trung gian với mức lãi suất cao, chịu nhiều thiệt thòi. Nếu được sự hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ CSG, nhóm sẽ sử dụng hợp lý, đúng mục đích, trong đó chú trọng giúp đỡ thành viên nghèo.

Áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” là hướng đi phù hợp của Nhóm đồng sơ thích trồng lúa thôn Gò Đền nhằm tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo. Đồng chí Nguyễn Minh Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Hải, cho biết: Để hoạt động của nhóm ngày càng có hiệu quả, Ban Phát triển xã đang tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực điều hành và quản lý của nhóm; trong đó, chú trọng đề cao vai trò của trưởng nhóm trong tổ chức sinh hoạt, xây dựng kế hoạch sản xuất, liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm.