Một số biện pháp phòng ngừa ứng phó bão và áp thấp nhiệt đới

(NTO) Trên biển Đông, các cơn bão và ATNĐ bắt nguồn từ hai khu vực khác nhau, một bộ phận phát sinh từ vùng biển miền Tây Thái Bình Dương vượt qua Philippin vào biển Đông và một phần hình thành ngay trên biển Đông.

Những cơn bão hình thành trên biển Đông có những đặc điểm riêng, đường đi rất phức tạp để gây tác hại cho mọi hoạt động trên biển Đông và vùng đất liền Việt Nam do sự xuất hiện ngay tại những khu vực hoạt động của ngư nghiệp - giao thông gần lãnh hải nước ta hoặc chỉ một thời gian ngắn đã đi vào bờ biển, khó cảnh báo trước được kịp thời. Mùa bão và áp thấp nhiệt đới hình thành trên biển Đông hường bắt đầu từ tháng 6 đến hết tháng 10, những năm xuất hiện sớm thì tháng 2 đã có bão và áp thấp nhiệt đới hình thành. Những năm muộn có thể kéo dài đến tháng 12. Những tháng khác ít thấy bão hình thành.

Vào đầu mùa, bão và áp thấp nhiệt đời thường có xu hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc và Bắc, khi đổ bộ vào bờ thường ảnh hưởng đến các tỉnh phía nam Trung Quốc , Đài Loan, Nhật Bản; giữa mùa chúng có xu hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, Tây; cuối mùa có xu hướng di chuyển theo hướng Tây, Tây Nam, khi đổ bộ, ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển của Việt Nam.

Hiện tượng gió mạnh cùng với mưa lớn trên khắp một vùng rộng trong bão đã khiến cho bão trở thành một thiên tai ghê gớm, hàng năm đe dọa sản xuất và đời sống của nhân dân. Trên biển, bão và áp thấp nhiệt đới gây ra sóng lớn cao có thể tới 9-10m, có khả năng lật úp tàu thuyền. Bão cũng cuốn theo một khối nước khổng lồ làm mực biển dâng cao ở vùng trung tâm; khi bão vào đất liền, nước mặn tràn qua hoặc phá vỡ đê biển làm ngập lụt các vùng ven biển. Mưa trong bão thường gây ra lũ và ngập úng ở nhiều nơi: Tình hình sẽ trở nên đặc biệt nghiêm trọng nếu như trong khoảng 1 tuần hay 10 ngày xuất hiện hai cơn bão kế tiếp nhau, cùng đổ bộ vào một khu vực nào đó. Khi đó, đất đai hầu như đã bão hoà nước, mực nước trong sông còn đang ở mức cao, ruộng đồng còn bị ngập úng vì chưa kịp tiêu nước do cơn bão trước, cơn bão sau đi vào sẽ làm cho mực nước lũ trên các sông dâng cao nhanh chóng, diện úng ngập trở nên ngày càng mở rộng hơn.

Để hạn chế thiệt hại do bão và áp thấp nhiệt đới gây ra, việc phát hiện và cảnh báo sớm các cơn bão và ATNĐ luôn được quan tâm thực hiện. Với trình độ khoa học hiện nay, người ta có thể phát hiện bão rất sớm, ngay từ khi nó mới hình thành. Khi bão bắt đầu vượt qua kinh tuyến 120o Đông, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã phát tin bão xa. Khi bão đi vào biển Đông và có khả năng tới nước ta trong vòng hai ba ngày, bắt đầu phát tin bão gần. Khi bão chỉ còn cách bờ biển nước ta dưới 500 km thì phát tin bão khẩn cấp.Tin bão được truyền đi trên đài phát thanh, truyền hình, bằng các tín hiệu đặt ở các bến, cảng, và trong trường hợp khẩn cấp thì bằng cả hiệu lệnh từ máy bay nữa.

Vào mùa mưa bão, để giảm thiểu các thiệt hại cho đời sống con người; một số biện pháp phòng, tránh với bão và áp thấp nhiệt đới cần quan tâm thực hiện như sau:

Xây dựng các nhà ở kiên cố, thường xuyên chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng bão, áp thấp nhiệt đới; khi xây dựng công trình mới cần tính toán đến khả năng chịu lực của công trình trước sự tác động của gió bão, ATNĐ; có kế hoạch trồng cây xanh hợp lý, vừa đảm bảo tạo cảnh quan, môi trường sinh thái, vừa đảm bảo chống đỡ được gió bão, áp thấp nhiệt đới; duy tu, sửa chữa đường dây điện, đường dây viễn thông; hệ thống giao thông thủy, bộ; kiểm tra và sửa chữa các máy bơm, trạm bơm tiêu, nạo vét kênh mương…nhằm đảm bảo an toàn khi có bão; kiểm tra số lượng tàu thuyền, kiểm tra đăng kiểm, ngư trường hoạt động của tàu thuyền; không gia hạn hoạt động các tàu, thuyền không đủ điều kiện an toàn; đối với các tàu thuyền không trang bị đủ các phương tiện an toàn thì buộc chủ tàu thuyền phải trang bị đủ mới được gia hạn hoạt động; mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đi biển, đào tạo thuyền trưởng hạng nhỏ cho ngư dân….

Khi được cảnh báo, một số biện pháp ứng phó với bão và áp thấp nhiệt đới như sau:

Bịt kín cửa và các khe cửa, cửa càng kín gió thì chống bão, áp thấp nhiệt đới càng tốt, vì vậy phải đóng kín cửa để tránh gió thổi tốc vào nhà; không ra ngoài khi có mưa to, gió mạnh để tránh bị cây ngã đổ đè lên người, gió quật ngã hay tôn bay chém vào người. Cần chú ý, khi tâm bão, áp thấp nhiệt đới đến thì gió và mưa ngừng hẳn, trời quang mây tạnh, nhưng ngay sau đó gió, mưa lại nổi lên với hướng ngược lại, vì vậy sau vài giờ bão, áp thấp nhiệt đới đi qua mới nên rời khỏi nhà; nên chủ động sơ tán đến các nhà kiên cố, các công trình công cộng kiên cố như trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… để trú ẩn; tuyệt đối không ở lại trên các chòi canh, lồng bè nuôi trồng hải sản. Nếu có đào hầm trú ẩn thì phải nhanh chóng sơ tán xuống hầm; khi đang đi trên đường, nhanh chóng chọn một nơi an toàn như trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… để trú ẩn; tránh núp dưới bóng cây, nhà tạm bợ, những nơi có nhiều bảng hiệu quảng cáo… dễ gây tai nạn.

Khi đang ở trên tàu thuyền phải thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết. Khi nhận được tin bão, áp thấp nhiệt đới thì tùy thuộc vào vị trí của tàu thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới mà kịp thời cho tàu thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới. Cần chú ý các trường hợp sau:

- Khi tàu thuyền đang ở xa bờ biển:

+ Điều khiển tàu thuyền tránh xa vùng bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng đi tới. Nếu tàu thuyền đang nằm ở phía bên phải hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới thì phải cho tàu thuyền chạy ngược gió, gió thổi lệch mũi trước mạn phải, góc lệch lớn hay nhỏ tùy thộc vào sức đẩy của tàu thuyền, tức là chạy về hướng Bắc - Đông Bắc. Nếu tàu thuyền đang nằm ở phía bên trái hoặc ở ngay trên đường bão, áp thấp nhiệt đới đang di chuyển tới thì cho tàu thuyền chạy xuôi gió, gió thổi vào đuôi tàu thuyền từ mạn phải, tức là chạy về hướng Nam - Tây Nam. Cần chú ý rằng, điều khiển tàu thuyền tránh bão, áp thấp nhiệt đới trên biển phải luôn luôn giữ cho tàu thuyền cách tâm bão, áp thấp nhiệt đới một khoảng tối thiểu từ 350 đến 400 km - khoảng 200 hải lý.

+ Khi không thể tránh xa vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới mà lọt vào vùng gió bão, áp thấp nhiệt đới, người điều khiển phương tiện phải bình tĩnh, tập trung mọi khả năng đưa tàu thuyền nhanh chóng thoát ra khỏi vùng bão, áp thấp nhiệt đới bằng cách: Khi tàu thuyền nằm ở nửa bão, áp thấp nhiệt đới bên phải thì điều khiển cho tàu thuyền chạy ngược gió, sao cho gió thực thổi vào mũi tàu thuyền lệch mạn phải một góc 30 - 45 độ (theo các vị trí 1, 2 sơ đồ), giữ cho tàu thuyền chạy theo hướng đó cho tới khi thoát ra khỏi vùng nguy hiểm;

Khi tàu thuyền nằm ở nửa bão, áp thấp nhiệt đới bên trái thì phải điều khiển tàu thuyền chạy xuôi gió, sao cho gió thổi vào đuôi tàu thuyền lệch mạn phải một góc 30 - 45 độ (vị trí 3 sơ đồ). Tiếp tục điều khiển tàu thuyền chạy theo hướng đó cho đến khi thấy gió chuyển sang hướng Nam, tức tàu thuyền đã ở xa phần tư bão, áp thấp nhiệt đới bên trái phía sau, cường độ gió đã suy yếu là tàu thuyền đã gần ra khỏi vùng nguy hiểm (vị trí 4 sơ đồ).

 

+ Ở vùng gần tâm bão, áp thấp nhiệt đới có gió xoáy rất mạnh, cường độ mưa lớn, tầm nhìn hạn chế, sóng biển hỗn độn và có sức tàn phá lớn, biển động dữ dội. Để giảm bớt sức đập của sóng, có thể thực hiện một số biện pháp như: thả dầu nhờn xuống biển, vứt các hàng hóa, thiết bị nặng cồng kềnh trên boong tàu thuyền xuống biển để tăng độ cân bằng cho tàu thuyền;

Điều khiển tàu thuyền chạy ngược sóng hoặc chạy theo hướng sao cho gió thổi chếch mũi mạn phải một góc thích hợp hoặc điều khiển tàu thuyền chạy theo hướng sóng sao cho gió thổi chếch mũi đến chếch lái mạn phải. Không lái tàu thuyền đi theo rãnh sóng vì như vậy tàu thuyền sẽ bị lắc ngang mạnh rất dễ bị lật úp hoặc gãy bánh lái. Trong mọi trường hợp, điều tối kỵ là lái hoặc bỏ mặc cho tàu thuyền trôi xuôi theo gió, bởi vì gió bão, áp thấp nhiệt đới sẽ cuốn tàu thuyền ngày càng gần tâm bão hơn, tức là vào vùng nguy hiểm hơn;

Khi chạy xuôi theo hướng sóng, để cho tàu thuyền giảm bớt sức đập của sóng thì điều chỉnh hướng đi của tàu thuyền đối với hướng sóng ở góc mạn phải khoảng 150 - 160 độ (vị trí a sơ đồ). Trong trường hợp tàu chạy ngược sóng, góc lệch khoảng 20 - 30 độ (vị trí b sơ đồ);

 

Khi muốn thay đổi hướng đi của tàu thuyền phải chọn thời điểm sóng nhỏ nhất. Nếu chuyển hướng ngược sóng thì phải tăng tốc để tàu thuyền lướt nhanh ngang sóng, rút ngắn thời gian chịu gió ngang. Nếu chuyển hướng xuôi sóng thì lúc đầu cho tàu thuyền chạy với tốc độ trung bình, sau từ từ tăng lên. Nếu góc chuyển hướng lớn thì chia làm nhiều lần, mỗi lần cho tàu thuyền quay một góc khoảng 20 - 30 độ để giữ cho tàu thuyền được cân bằng hơn trong sóng gió.

- Tàu thuyền đang ở ven bờ, gần bờ biển và trên sông: phải di chuyển vào bờ, vào bến cảng tìm nơi trú ẩn an toàn, neo đậu tàu thuyền đúng kỹ thuật để không bị hư hỏng khi có sóng to, gió lớn. Tuyệt đối không để ngư dân, thuyền viên ở lại trên tàu thuyền trong thời gian có bão, áp thấp nhiệt đới.

- Neo đậu tàu thuyền khi có bão, áp thấp nhiệt đới:

+ Ở những bến bãi không có cầu tàu thuyền thì neo đậu tàu thuyền theo hướng thẳng góc với bờ, giữ cho khoảng cách giữa các tàu thuyền đủ rộng để tránh va đập vào nhau. Tuyệt đối không neo đậu tàu thuyền theo hướng song song với bờ, vì như thế tàu thuyền rất dễ bị sóng đánh thẳng vào mạn làm lật úp tàu. Thả cả neo đáy và neo bờ để giữ cho tàu thuyền cố định;

+ Sử dụng các lốp (vỏ) xe hơi cũ treo ở thành tàu thuyền, mạn tàu thuyền và cả mũi tàu thuyền để hạn chế va đập vào nhau và va đập vào cầu tàu thuyền;

+ Không neo đậu tàu thuyền dưới hoặc bên cạnh các cầu giao thông, không lấy trụ cầu để buộc neo.

+ Tốt nhất neo đậu tàu một mình riêng biệt, sao cho khi neo đã bám đáy, tàu có thể quay trở các hướng mà không bị va đập với bất cứ vật gì và không bị mắc cạn. Thả 01-02 neo trước mũi tàu, chiều dài dây neo bằng 5-7 lần độ sâu nơi thả neo;

+ Nếu trong Khu neo đậu có các phao bù, hoặc cọc neo buộc tàu, tàu buộc chặt dây neo mũi vào phao bù hoặc cọc neo và xông dây neo ra một khoảng độ dài 5-7 m, sau đó thả thêm neo đằng lái;

+ Nếu trong Khu neo đậu không có phao bù hoặc cọc neo và có nhiều tàu neo đậu, thì cần neo tàu theo hướng lái vào bờ, chằng buộc vào các vật sẵn có trên bờ và thả thêm 02 neo phía mũi tàu. Tối đa chỉ được neo 03 tàu liền nhau và giữa các tàu phải có đệm chống va và giây liên kết.

 

+ Chọn nơi khuất gió và đáy biển là cát, cát pha sét hoặc sét, neo một mình cách biệt với các tàu khác và cách xa các vách đá và các chướng ngại vật khác, thả 01- 02 neo mũi, chiều dài dây neo bằng 5-7 độ sâu nơi thả neo;

+ Đối với tàu thuyền nhỏ, có thể kéo lên bờ cách xa mép nước càng tốt, chằng buộc chắc chắn hoặc tháo máy đưa lên bờ, đánh chìm tàu tại nơi neo đậu.

Ngoài ra, cần chú ý dự trữ thức ăn, nước uống cho gia đình tối thiểu 07 đến 10 ngày; chuẩn bị các loại đảm bảo ánh sáng như đèn dầu, đèn pin, hộp gaz, vì khi bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng có thể gây mất điện; chuẩn bị thuốc chữa bệnh thông thường để sử dụng, vì bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ sẽ gây mưa to, có thể gây ngập lụt làm nguồn nước bị ô nhiễm gây dịch bệnh…Chủ động thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm nuôi trồng thủy, hải sản trước khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ để giảm thiểu thiệt hại.