Thuận Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

(NTO) Vùng biển huyện Thuận Nam bao gồm 3 xã ven biển (Cà Ná, Phước Diêm, Phước Dinh) có diện tích tự nhiên 19.546 ha và chiều dài bờ biển 36 km. Có thể nói đây là thế mạnh về kinh tế biển của huyện, bao gồm: Sản xuất thủy sản, muối công nghiệp và du lịch.

 
Ngư dân Phước Diêm chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến vươn khơi. Ảnh: Văn Miên

Trong 5 năm qua, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển của huyện Thuận Nam có xu hướng tăng lên, trong đó đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối, du lịch biển cơ bản phát triển. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành thủy sản giai đoạn 2010– 2015 bình quân đạt trên 5%; hàng năm sản xuất thủy sản đóng góp 82 - 84% tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản của huyện và đóng góp khá cao vào giá trị sản xuất thủy sản toàn tỉnh. Các trung tâm dịch vụ nghề cá, các khu du lịch biển đã triển khai đầu tư một số dự án như: Hệ thống công trình cảng cá, công trình phục vụ nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối công nghiệp, du lịch và một số lĩnh vực công nghiệp chế biến. Công tác quản lý tài nguyên môi trường biển cũng được chú ý, an ninh và chủ quyền vùng biển được đảm bảo, góp phần tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế biển. Trong các cơ sở hạ tầng nghề cá của Thuận Nam, đáng chú ý là cảng cá Cà Ná được tập trung đầu tư phục vụ cho các dịch vụ hậu cần nghề cá, có tổng sản lượng bốc xếp thủy hải sản lên mức 27.000 tấn/năm với tàu cập bến có công suất lên đến 400CV và tạo bến neo đậu, tránh trú bão cho khoảng 1.000-1.200 tàu thuyền trong và ngoài tỉnh. Riêng tại xã Cà Ná, theo chia sẻ của đồng chí Trương Ngọc Luân, Bí thư Đảng ủy xã, trong quá trình phát triển, Cà Ná đã có dấu hiệu định hình dần kinh tế đô thị biển, thể hiện qua các lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ ở Cà Ná đều gắn liền với nghề cá.

Đối với lĩnh vực khai thác hải sản, Thuận Nam hiện có 1.029 tàu thuyền các loại, với tổng công suất 142.344 CV, bình quân 138,33 CV/chiếc, được trang bị các phương tiện máy móc hiện đại (máy tầm ngư, định vị, bộ đàm, máy kéo lưới, mày dò ngang...) rất thuận lợi cho việc đánh bắt hải sản xa bờ, dài ngày. Điển hình là xã Phước Diêm, đứng đầu trong phát triển khai thác hải sản, hiện có 486 chiếc tàu thuyền với tổng công suất 96.711 CV, đa số là tàu thuyền công suất lớn, đủ khả năng vươn ra khơi đánh bắt xa bờ dài ngày trên biển với sản lượng khai thác hàng năm từ 27.000- 28.000 tấn hải sản các loại. Cùng với sự phát triển của nghề khai thác, đánh bắt hải sản, các hoạt động kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến cá hấp khô, nước mắm cũng được nhiều hộ gia đình ở Phước Diêm, Cà Ná bỏ vốn đầu tư phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Về nuôi trồng thủy sản, Thuận Nam có diện tích thả nuôi bình quân hàng năm trên 700 ha (2 vụ), trong đó vùng nuôi tôm thuộc dự án Sơn Hải (Phước Dinh) có diện tích thả nuôi trên 180 ha, sản lượng thu hoạch trên 1.800 tấn thủy sản. Ngoài ra, Thuận Nam còn phát triển đồng muối với sản lượng khai thác muối hạt đạt trên 100.000 tấn/năm.

 
Ngư dân Thuận Nam ra khơi bám biển, khai thác hải sản.Ảnh: Văn Miên

Nhìn chung, phát triển kinh tế biển, trong đó thủy sản có bước phát triển mạnh và giữ vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, đã góp phần đưa kinh tế-xã hội của huyện Thuận Nam ngày một đi lên. Từ năm 2011 đến 2014, ở vùng biển đã giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động, hạ tỷ lệ hộ nghèo của các xã Cà Ná, Phước Diêm và Phước Dinh bình quân giảm còn 6,37%. Đồng chí Ngô Văn Sậy, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để đánh thức các tiềm năng kinh tế biển, những năm tới Thuận Nam tập trung khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, khoa học-công nghệ; tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế thủy sản với tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 5 - 6%/năm. Theo đó, Thuận Nam phát triển đồng bộ cả đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, lấy chế biến làm động lực; gắn với phát triển du lịch, công nghiệp ven biển và bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu xây dựng kinh tế biển thành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020.

Đặc biệt nhằm tạo ra bước đột phá mới trong lĩnh vực thủy sản, Thuận Nam quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng nghề cá đồng bộ, đầu tư cảng cá theo hướng đa mục tiêu, vừa là nơi trú tránh bão cho tàu thuyền có công suất lớn từ 500-1.000 CV, vừa phát triển hệ thống kho lạnh bảo quản và các cơ sở đóng sửa tàu thuyền, bảo đảm cung cấp nguyên liệu cho tàu thuyền và tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân, thúc đẩy phát triển khai thác hải sản xa bờ. Phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện đạt sản lượng khai thác hải sản trên 59.000 tấn/năm; mở rộng quy mô nuôi tôm thương phẩm đạt sản lượng 5.700 tấn/năm gắn với hình thành khu chế biến tập trung đã được quy hoạch.