Thương và ghét

(NTO) Thương và ghét là cảm xúc tự nhiên của con người, là hai mặt của một vấn đề và cũng là nguyên nhân phát sinh những tình cảm tích cực cũng như tiêu cực trong mối quan hệ xã hội. Theo lẽ tự nhiên, con người luôn muốn hướng tới những tình cảm tốt đẹp, loại bỏ những điều xấu xa, sai trái. Muốn điều chỉnh tình cảm của bản thân theo hướng nào, điều đó tùy thuộc vào nhận thức và khả năng của từng người.

Ghét và thương là hai trạng thái tình cảm trái ngược nhau, nhưng đều là những cảm xúc có thật từ đáy lòng của mỗi người. Ai trong chúng ta cũng đều cần được yêu thương, nhưng quan trọng yêu thương thế nào cho đúng, cho phù hợp với nhân nghĩa ở đời, điều đó mới đáng để cho chúng ta phải suy ngẫm. Nếu là người yêu tiền thì họ sẽ đánh đồng tất cả mọi giá trị bằng tiền, nếu là người yêu quyền lực thì mọi suy nghĩ, quan hệ đều được họ đánh giá bằng chức quyền… Để yêu ghét đúng nghĩa, bản thân mỗi người phải hết sức bình tĩnh, nhìn nhận sự việc dưới nhiều góc độ khác nhau, hơn hết phải biết thông cảm, khoan dung.

Thương yêu, quý trọng là tình cảm đầy thiện ý, luôn hướng con người đến chân- thiện- mỹ của cuộc sống. Những người có nhân cách, cái ghét của họ thường thể hiện rất rạch ròi. Tình cảm của con người luôn đan xen giữa yêu và ghét. Người yêu cái đẹp, ghét cái xấu, đó chính là người đáng để chúng ta nể trọng.

Ganh ghét, đố kỵ có thể hiện diện ở mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống. Thông thường, nếu thương nhau thì luôn nghĩ tốt về nhau, nhưng khi ghét nhau thì cho dù chuyện nhỏ cũng làm cho họ cảm thấy không hài lòng. Sự thù ghét là cảm xúc tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của mỗi người. Sự đố kỵ cũng không đem lại lợi ích gì cho bạn, mà ngược lại còn làm tổn hại đến sức khỏe của bản thân. Bạn có thể cảm thấy ghen ghét người đồng nghiệp vì họ được đề bạt, tốn thời gian vô bổ vào việc tìm mọi cách để hại một người vì người đó đã làm tổn hại đến lợi ích của mình… Điều đó cũng chẳng giúp cho tâm trạng của bạn tốt hơn.

Để hóa giải lòng thù ghét đối với một người, chúng ta cần phải bắt đầu từ việc giải quyết những nguyên nhân sâu xa bên trong. Nhìn ra những lỗi lầm của mình, nhận rõ được những tác nhân gây ra các vấn đề rắc rối, là cách giúp chúng ta giảm đi sự thù ghét, nhanh chóng sửa chữa sai lầm và hoàn thiện bản thân. Muốn chế ngự được sự ghen ghét, đố kỵ trong cuộc sống cũng như công việc, chúng ta nên cư xử hài hòa, biết cảm thông, chia sẻ với mọi người, sẵn sàng tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Có như vậy, chúng ta mới không để lòng thù ghét có cơ hội phát sinh.

Nếu biết biến giận dỗi thành yêu thương, biến ghét bỏ thành sẻ chia, gần gũi, bạn sẽ thấy cuộc sống này thật tốt đẹp biết bao.