Tập trung thực hiện hoàn thành kế hoạch năm 2015

(NTO) Qua 6 tháng đầu năm, hoạt động của ngành Công Thương vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh.

Ghi nhận đầu tiên là lĩnh vực công nghiệp, với tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt trên 1.530 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Trong đó, tăng trưởng cao nhất là nhóm CN khai khoáng với 53,39%, tiếp đến là CN chế biến tăng 14,6% và nhóm CN cung cấp nước, xử lý nước thải tăng 7,9%.

Nhiều mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn tại phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại huyện Bác Ái.
Ảnh: Văn Miên

Các nhóm sản phẩm có chỉ số tăng trưởng so với cùng kỳ, đó là: Tôm đông lạnh tăng 85,9%; khăn bông các loại tăng 30,5%; gạch nung tăng hơn 3,9 lần, gạch không nung tăng hơn 2,3 lần, tinh bột mì tăng 38,3%; muối biển tăng 42,9%; đá xây dựng các loại tăng 24%; muối chế biến tăng 22,7%; may gia công tăng 37,1%; đá granite tăng 12,5%; phân hữu cơ vi sinh tăng 14,5%; bia đóng lon tăng 11,6%. Riêng các nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực TTCN và làng nghề dù chỉ chiếm tỷ trọng 22%, tập trung chủ yếu như: Chế biến nước mắm, chế biến vang nho, hàng mỹ nghệ từ tranh gỗ ghép…, nhưng vẫn đóng góp vào nguồn thu của ngành không nhỏ, với tổng giá trị sản xuất đạt 336 tỷ đồng, tăng 6% so cùng kỳ. Qua đó, góp phần đưa chỉ số sản xuất CN (IIP) 6 tháng đầu năm tăng 13,13% so cùng kỳ.

Lĩnh vực thương mại có nhiều chuyển biến đáng kể. Trong 6 tháng, ngoài việc tổ chức 2 hội chợ tại tỉnh, 8 hội chợ trong nước và 1 hội chợ nước ngoài, ngành Công Thương còn phối hợp với 4 DN thực hiện Chương trình bình ổn giá, tổ chức 40 chuyến bán hàng lưu động tại các xã của 6 huyện, với doanh số trung bình khoảng 10-15 triệu đồng/chuyến. Bên cạnh đó, ngành còn tổ chức 4 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Sơn, Bác Ái thu hút hàng ngàn lượt người tham quan, mua sắm; tổ chức Hội nghị ký kết hợp tác ngành Công Thương giữa 3 tỉnh Ninh Thuận-Bình Thuận-Lâm Đồng, tạo điều kiện cho các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh trao đổi thông tin, liên kết mở rộng đầu tư, phát triển thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 6 tháng đạt trên 6.787 tỷ đồng, tăng 13,48 % so cùng kỳ.

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tiếp tục được tăng cường. Trong 6 tháng, Chi cục Quản lý thị trường đã phối hợp với các ngành liên quan tiến hành 485 đợt kiểm tra, kiểm soát trên các lĩnh vực, mặt hàng. Qua đó, phát hiện xử lý kịp thời 110 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 440 triệu đồng. Hoạt động khuyến công tiếp tục được quan tâm đúng mức, ngoài việc đầu tư trên 281 triệu đồng xây dựng 6 đề án khuyến công địa phương, Sở Công Thương còn tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương 300 triệu đồng để tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất cho các cơ sở nông nghiệp...

Tuy kết quả đạt được là vậy, nhưng đánh giá một cách khách quan cho thấy, đóng góp của ngành CN và TM cho kinh tế của tỉnh trong 6 tháng đầu năm không cao. Trong đó, có nhiều sản phẩm đang có chiều hướng giảm mạnh, như: Đường RS giảm 11,5%, xi-măng giảm 5,7%, điện sản xuất giảm 9,5%... Nguyên nhân là do năng lực sản xuất tăng mới không có, trong khi đó 2 sản phẩm chủ lực như bia đóng lon và tôm đông lạnh đã phát huy hết công suất. Bên cạnh đó, do thời tiết khô hạn, nên nguyên liệu mía không đủ đáp ứng cho sản xuất, một số nhà máy thủy điện thiếu nước nên tiết giảm nguồn phát…Đối với hoạt động xuất khẩu, do số lượng DN tham gia ít, chủ yếu 2 mặt hàng nhân điều và tôm đông lạnh, nên kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 22,24 triệu USD, đạt 29,7% kế hoạch năm. Đặc biệt, sản phẩm nhân hạt điều được xem là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao ở những năm trước và có tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng chung của ngành, nhưng giảm mạnh đến 33,3% so với cùng kỳ.

Từ những thuận lợi và khó khăn nêu trên, ngành Công Thương xác định nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, đó là tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để duy trì đà tăng trưởng. Trong đó, đối với lĩnh vực CN sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án: Thủy điện Thượng Sông Ông, dự án phân xưởng kéo sợi (Công ty dệt may Quảng Phú), Nhà máy rượu vang nho (Công ty TNHH Đồ uống Phan Rang)…, để tăng năng lực sản xuất mới. Bên cạnh đó, ngành sẽ vận động các DN phát huy cao nhất năng lực sản xuất các sản phẩm hiện có như bia đóng lon, tôm đông lạnh..., để tăng giá trị sản xuất. Phối hợp các địa phương triển khai có hiệu quả đề án phát triển làng nghề TTCN, xây dựng và phát triển các Làng nghề Gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm theo hướng gắn với du lịch. Tăng cường công tác quản lý thị trường, chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, kế hoạch hành động sản xuất sạch hơn trong CN. Hướng đến mở rộng mạng lưới TM theo hướng văn minh, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân chủ động hội nhập vào xu thế phát triển của cả nước và khu vực. Tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, thực hiện chương trình bình ổn giá, bán hàng lưu động, nhằm tăng sức mua trong dân, để tạo thêm giá trị sản xuất cho ngành. Phấn đấu đến cuối năm 2015, giá trị sản xuất ngành CN đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 16-17% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 14.420 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch và kim ngạch xuất khẩu ước 60 triệu USD theo kế hoạch đề ra.