Vấn đề hôm nay:

Vận động người dân dùng hàng Việt-Cần có giải pháp thiết thực!

(NTO) Qua hơn 5 năm triển khai Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế, phát triển hệ thống tiêu thụ hàng hóa và tạo nên một tâm lý mới trong người dân đó là đã quan tâm và dùng hàng Việt Nam chất lượng tốt.

Động lực quan trọng nhất làm nên thành công của CVĐ thời gian qua chính là nỗ lực của các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và tham gia tích cực vào việc phát triển mạng lưới tiêu thụ. Bên cạnh đó là sự nỗ lực của chính quyền các cấp, của MTTQ và các đoàn thể cùng các phương tiện truyền thông để tuyên truyền vận động cho CVĐ.  Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần làm chuyển biến trong nhận thức, thay đổi tâm lý “sính” hàng ngoại trong một bộ phận người tiêu dùng, xây dựng thói quen sử dụng hàng hóa có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc bằng những hành động thiết thực trong mỗi người, hướng đến lựa chọn hàng nội địa, nhất là những mặt hàng Việt Nam chất lượng cao cũng như những sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương…Đến nay, có thể nói đa số người tiêu dùng khi được hỏi đều bày tỏ sự hài lòng với chất lượng, giá cả của hàng hóa nội địa và tin tưởng lựa chọn các sản phẩm mang nhãn hiệu sản xuất trong nước. Đặc biệt, người tiêu dùng đã từng bước nói không với hàng Trung Quốc kém chất lượng, không còn mặn mà với những loại hàng giá rẻ, hàng trôi nổi như trước đây… 

Người tiêu dùng mua sắm tại phiên chợ đưa hàng Việt về vùng nông thôn huyện Ninh Sơn.
Ảnh: Sơn Ngọc

Tuy nhiên, thực tế cần nhận rõ là trong công tác tuyên truyền vẫn còn những hạn chế như: chưa được thường xuyên, liên tục, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên sức lan tỏa của CVĐ chưa rộng, chưa sâu.  Một bộ phận người tiêu dùng, trong đó có cả cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong mua sắm, sử dụng hàng Việt cũng như vận động người thân trong gia đình mua sắm, sử dụng hàng Việt. Tâm lý sính dùng hàng ngoại vẫn tồn tại ở một bộ phận người dân, nhất là người có thu nhập cao, thích thời trang, hàng hiệu do nước ngoài sản xuất. Bên cạnh đó thì ý thức của một số thương nhân, DN còn hạn chế, chủ yếu vì lợi ích riêng nên tạo điều kiện, tiếp tay cho hàng nhái, hàng kém chất lượng tồn tại. Mặt khác, việc quản lý thị trường hàng hóa nhập khẩu chưa chặt chẽ, gây thiệt hại quyền lợi của người tiêu dùng và gây khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong nước…

Để CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đem lại hiệu quả thiết thực, nhất là trong năm 2015 này cộng đồng ASEAN hình thành, hàng hoá sản xuất của các nước trong nội khối sẽ thông thương hơn, thiết nghĩ các cấp, các ngành liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về lợi ích của việc dùng hàng Việt. Đây không phải chỉ là giải pháp tình thế, ngắn hạn mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài với mục đích phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu... Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là buộc người tiêu dùng trong nước phải mua hàng hóa sản xuất trong nước với chất lượng thấp, giá cao. Do vậy, cùng với tuyên truyền, vận động, điều hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định lâu dài là các doanh nghiệp trong nước phải không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Điều cũng đáng nói là doanh nghiệp phải thực sự trở thành động lực quan trọng để thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Mặt khác, trong trường hợp này người tiêu dùng sẽ trở thành người tiêu dùng thông minh, lựa chọn những sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, tiện ích trong sử dụng, đồng thời ủng hộ những doanh nghiệp làm ăn chính đáng, có đóng góp với xã hội, “nói không” với các doanh nghiệp làm ăn gian trá, trốn thuế, nhập lậu…

Tất nhiên, để thay đổi quan niệm, thói quen của người tiêu dùng là việc làm không dễ và cần có thời gian, nhưng nếu không đề cao ý thức dùng hàng Việt thường xuyên thì khó có thể đạt được mục tiêu, nội dung của CVĐ. Trong đó, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên có ý nghĩa quan trọng, bởi lẽ khó có sức thuyết phục các tầng lớp nhân dân dùng hàng Việt khi chính đội ngũ cán bộ, đảng viên lại không dùng hàng Việt!.