"Áp lực” hạn hán vẫn chưa giảm!

(NTO) Trong những ngày qua, mặc dù đã có mưa xảy ra trên diện rộng nhưng thời gian mưa không kéo dài, lượng mưa không lớn, với lượng mưa phổ biến từ 10- 20mm, nói như bà con nông dân là cũng chỉ đủ... cỏ mọc chứ chưa đủ độ ẩm để khả dĩ có thể gieo trồng.

Tính đến đầu tháng 7 năm nay, lượng nước tại 20 hồ chứa trong tỉnh cũng chỉ còn trên 15,34 triệu m3, gần bằng 8% dung tích thiết kế. Điều đáng nói là mực nước tiếp tục xuống thấp, hy vọng chỉ duy trì nước uống cho đàn gia súc để chờ mưa.

Thực hiện chỉ đạo “3 không” của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt không để dân khát, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương cấp nước sinh hoạt cho người dân các vùng thiếu nước theo định mức từ 25 đến 30 lít/ ngày. Tính từ đầu năm đến nay khối lượng nước vận chuyển để cấp cho hơn 23.130 người dân (5.497 hộ) của 8 xã thuộc 4 huyện là trên 105 nghìn m3. Không những vậy, tỉnh còn chỉ đạo đấu nối để bổ sung từ nguồn nước của Công ty Cấp nước tỉnh để cấp nước sinh hoạt cho 14.256khẩu/2.183hộ dân 2 xã Thanh Hải và Nhơn Hải (Ninh Hải).

Nguồn nước được đấu nối từ hệ thống cấp nước Phương Cựu đến thôn Xóm Bằng 1
phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân địa phương. Ảnh: Sơn

Ngoài ra, Trung tâm Nước sạch và VSMTNT đã đầu tư thi công, đưa vào sử dụng việc đấu nối từ hệ thống cấp nước Phương Cựu đến thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc), với chiều dài 6 km, kinh phí trên 6 tỷ đồng để kịp thời cấp nước cho 2.780 khẩu/550 hộ; lắp đặt hệ thống cấp nước cho các thôn vùng ”tâm hạn” xã Phước Trung (Bác Ái), đến nay đã đưa nước thô về đến khu xử lý, sử dụng…Như vậy, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 8.916hộ/43.935khẩu được hỗ trợ, cấp nước sinh hoạt.

Để giảm thiệt hại trong sản xuất và chăn nuôi cho người dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo và phân bổ kịp thời kinh phí chống hạn cho các địa phương với tổng kinh phí trên 80,42 tỷ đồng để hỗ trợ nước uống, khắc phục thiệt hại hạn hán, hỗ trợ mua thức ăn cho gia súc…Bằng nhiều nỗ lực của tỉnh, các ngành, địa phương và tinh thần vượt khó, chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán của người dân, có thể nói, mặc dù cả 2 vụ đông-xuân và hè-thu toàn tỉnh phải ngừng sản xuất đến trên 16.000 ha, có địa phương hàng trăm ha đất bỏ hoang hoá cả 4 vụ liên tiếp do thiếu nước… nhưng đã không để xảy ra xáo trộn lớn trong cuộc sống, nhất là thiếu nước, lương thực.

Theo dự báo, tình trạng nắng hạn thiếu nước đang tiếp tục xảy ra nghiêm trọng, gay gắt và trên diện rộng. Các khu vực không được hưởng lợi từ hệ thống thủy điện Đa Nhim đang ở cấp độ 4 về rủi ro do hạn hán. Tình hình khô hạn có khả năng kéo dài tới tháng 9/2015; độ mặn có khả năng sẽ xâm nhập sâu vào vùng cửa sông ven biển...Hay nói khác hơn, trong thời gian tới hạn hán vẫn còn nhiều ”áp lực” lên sản xuất và đời sống của nhân dân nhiều địa phương trong tỉnh. Do vậy, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại và bảo đảm an sinh xã hội, yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục thực hiện các biện pháp chống hạn theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Trong đó, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan được UBND tỉnh giao hỗ trợ vận chuyển nước sinh hoạt cho người dân; đồng thời tiếp nhận nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương để tiếp tục vận chuyển, đào ao, xử lý giếng, đấu nối, kéo dài, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các vùng thiếu nước sinh hoạt, ưu tiên nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc tại các xã không có nguồn nước và đang cảnh báo ở mức rủi ro cấp 4 về hạn hán. Về sản xuất vụ hè –thu, đối với những diện tích đất trồng lúa không đủ nước tưới các địa phương chủ động tập trung chỉ đạo chuyển sang cây trồng cạn hoặc trồng cỏ chăn nuôi sử dụng ít nước...Chú trọng đến phòng ngừa dịch bệnh cho người và gia súc, đặc biệt dịch bệnh trong mùa hè. Thực hiện việc cấp phát lương thực được Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ đúng đối tượng và đến tay người dân cần hỗ trợ, tránh trường hợp thắc mắc khiếu kiện.

Suy cho cùng, điều cần thiết trước mắt và cả về lâu dài là chủ động “tránh hạn” bằng các giải pháp cụ thể, thiết thực phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.