Thủ tướng dự Diễn đàn kinh tế 5 nước tiểu vùng Mekong

Chiều 3/7, Diễn đàn kinh tế 5 nước tiểu vùng Mekong đã diễn ra với sự tham dự của lãnh đạo các nước Mekong và đại diện khoảng 200 doanh nghiệp Nhật Bản nhân dịp Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn kinh tế 5 nước tiểu vùng Mekong.
(Ảnh: Chinhphu.vn)

Đây là dịp để đại diện chính phủ các nước Mekong gặp gỡ và trao đổi với các nhà đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản về tiềm năng phát triển cũng như triển vọng đầu tư, kinh doanh tại khu vực tiểu vùng Mekong.

Các phát biểu tại Diễn đàn nhấn mạnh, sau 6 năm hình thành và phát triển, hợp tác Mekong-Nhật Bản đã có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội của tiểu vùng Mekong, đặc biệt là trong phát triển hạ tầng, giao thông và dịch vụ logistics. Những tiến triển này đã biến tiểu vùng Mekong thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Tiểu vùng Mekong được đánh giá là thị trường ưu tiên của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO). Tại Diễn đàn, Chủ tịch JETRO cho biết, tổ chức này đã mở 6 văn phòng đại diện tại 5 nước Mekong và trong 3 năm từ 2012-2015, đã có 1000 doanh nghiệp Nhật Bản đăng ký tham gia làm hội viên của Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản tại khu vực Mekong. Năm 2014, kim ngạch đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào khu vực Mekong đạt 6,8 tỷ USD, tương đương với quy mô đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc.

Hợp tác Mekong-Nhật Bản đã có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội của tiểu vùng
Mekong, đặc biệt là trong phát triển hạ tầng, giao thông và dịch vụ logistics. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Một số điểm chính về tiềm năng và ý nghĩa của tiểu vùng Mekong đối với doanh nghiệp Nhật Bản được nêu bật tại Diễn đàn gồm: Với dân số khoảng 230 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, tiểu vùng Mekong hiện là một trong các điểm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quan trọng nhất thế giới của các doanh nghiệp Nhật Bản; kết nối khu vực ngày càng được cải thiện đã giúp hình thành mạng lưới sản xuất và có tiềm năng trở thành “công xưởng sản xuất mới của thế giới”.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu bật những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là các nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kết cấu hạ tầng và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Nhấn mạnh với những lợi thế của mình như vị trí địa lý thuận lợi và sự ổn định về chính trị-xã hội cũng như kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai và sẽ mang đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong quá trình hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Nguồn www.chinhphu.vn