Nếp quê

(NTO) Có phải vì nước ta là một nước nông nghiệp, người Việt ta ít nhiều cũng gốc gác từ nông dân, nông thôn nên tâm thức quê kiểng như một tài sản tinh thần, độc đáo và cố hữu.

1. Một dịp vào Sài Gòn ghé thăm một nhà báo trẻ. Anh quê Phú Yên, vào học đại học và lập nghiệp nơi này. Anh mời tôi ăn trưa ở quán ăn Đo Đo (nghe nói chủ quán là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh). Anh mời khách nhà quê bằng món cá nục kho mẳn và rau muống luộc chấm mắm nêm. Nhìn tô cá kho và dĩa rau muống luộc tôi nghĩ bụng chắc là anh bạn ít có dịp về quê nên nhớ món quê. Khách nhìn chủ ăn với vẻ ngon lành vừa ngạc nhiên, vừa cảm động. Thú thật, không biết hôm ấy đông khách hay sao mà quán nấu vội chứ nhìn các món nhà quê này tôi biết chưa ngon lắm vì cá kho lớn lửa nên nhả phấn làm đục nước, còn rau muống còn chát vị nhựa rau nên rít đầu lưỡi. “Ồ, không sao, miễn được nếm món quê mình là ngon không gì bằng!”, anh bạn trẻ nói với vẻ mãn nguyện vì lâu lâu mới có khách quê cùng thưởng món quê giữa một thành phố hiện đại.

Một lần khác cũng tại thành phố phương Nam này, tôi được một người bạn trẻ nằng nặc mời về nhà để ăn món mì Quảng nấu đúng điệu Quảng vì vợ chồng anh gốc Quảng Ngãi vào đây lập nghiệp, mặc dù ở Sài Gòn này sắm sửa cho đủ nguyên vật liệu để nấu đúng điệu món mì Quảng cũng không dễ dàng gì.

Hóa ra, đâu chỉ thế hệ cha anh hay những người đứng tuổi là những người sinh ra, lớn lên, gắn bó với rơm rạ, ruộng đồng mới thiết tha với quê kiểng mà những người trẻ tuổi dẫu nhiều người đã “ly nông” nhưng với họ quê nhà và tâm thức quê kiểng đã ăn sâu vào tâm hồn họ như một tài sản thiêng liêng.

2. Quê nhà đang mùa hạn hán. Dòng sông Dinh giờ đây chỉ còn là một dải lụa mỏng manh yếu ớt, lặng lẽ trôi dưới nắng trời như đổ lửa. Những đám ruộng khô nứt nẻ dấu chân chim. Lúa bắp, hoa màu đang trong cơn khát cháy. Từng đàn gia súc như trôi trong nắng bụi tháng Bảy để gặm mót từng cọng cỏ khô, từng chiếc lá héo. Những cơn mưa giờ xa xôi như chưa bao giờ ghé qua mảnh đất này. Biết bao người nông dân đang thắc thỏm chờ mưa! Giữa những ngày này càng thấy yêu quý vô cùng người làm ra củ khoai, hạt lúa.. Suốt đời một nắng hai sương, cần cù, nhẫn nại và thủy chung cùng ruộng đồng để làm ra cái ăn cho xã hội. Đó là những con người làm nhiều hơn nói, cuộc đời họ thầm lặng và hồn hậu như đồng đất quê nhà. Tuy nhiên, người nông dân thường chịu nhiều thiệt thòi bởi thiên tai, biến động thị trường, cách thức tiêu thụ nông sản,… Thành ra, tâm lý coi nhẹ nông nghiệp (mà nước ta là nước nông nghiệp, dân ta đa số là nông dân), tư tưởng “ly nông” đang là xu hướng xã hội hiện nay. Mà cũng dễ hiểu khi một tấn thóc chỉ tròm trèm bằng tháng lương của một công nhân bình thường.

3. Bây giờ, ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh quê mùa ở ngay trung tâm những thành phố lớn. Ở những quán cà phê sang trọng, người ta trưng bày những vật dụng có tính biểu tượng và khá quen thuộc của thôn dã như cái bánh xe trâu, cối xay lúa, chõng tre, lu nước với chiếc gáo dừa,… Ngay tên gọi, hàng phố cũng chọn cho mình những cái tên thôn dã như Thằng Bờm, Hai Lúa, Gạo, Rơm,…

Đã mấy ngàn năm người nông dân Việt vẫn vững chân trên dải đất cong cong hình chữ S chạy suốt bờ biển Đông, gìn giữ hồn quê, nền tảng của văn hóa Việt.