Nông dân chăn nuôi giỏi

(NTO) Qua giới thiệu của UBND xã, chúng tôi tìm gặp anh Phạm Minh Quang (thôn 3, xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam), người nhiều năm gắn bó và lập nghiệp với nghề chăn nuôi ở vùng đất Nhị Hà.

Anh Quang chia sẻ: Trước đây, gia đình ở phường Đạo Long (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Qua nhiều lần tiếp xúc với những người chăn nuôi, thấy nghề nuôi dê, cừu có triển vọng nên lên xã Nhị Hà mua 10ha đất ở thôn 3. Cuối năm 1998, mình mở trang trại chăn nuôi.

Anh Phạm Minh Quang với đàn bò của mình.

Ban đầu, anh mua 50 con dê về nuôi. Sau đó, tiếp tục mua thêm 10 con cừu, 10 con bò về làm giống để phát triển đàn. Không bỏ phí đất, anh trồng lúa và trồng cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc. Đến năm 2002, đàn dê, cừu của anh phát triển đến trên 1.000 con, đàn bò 90 con. Vài năm sau, dê cừu mất giá, trong lúc mọi người chán nản bỏ nghề, riêng anh vẫn tiếp tục duy trì cho đến ngày nay.

Anh xây dựng hệ thống chuồng trại cao ráo, tránh được hướng gió mạnh, làm thêm các máng nước uống, khung dự trữ thức ăn vào mùa nắng hạn. Hiện tại, anh có 438 con cừu và 120 con bò. Trung bình mỗi năm, anh xuất bán 100 con cừu sinh sản, 100 con cừu thịt, doanh thu đạt trên 80 triệu đồng/năm. Riêng đàn bò, bình quân xuất chuồng từ 30–50 con/năm, trừ chi phí, anh thu về trên 250 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động.

Chia sẻ với chúng tôi về cách ứng phó với tình hình hạn hán để duy trì đàn gia súc, anh Quang cho biết: Để bổ sung nguồn thức ăn cho đàn gia súc, anh đã đầu tư 70 triệu đồng để mua rơm; đồng thời để đảm bảo sức khỏe đàn gia súc mùa khô hạn, hằng ngày pha cám và muối vào nước tạo nguồn thức uống giàu dưỡng chất. Bên cạnh đó, còn đầu tư 36 triệu đồng mua ống đấu nước từ hệ thống sông Lu về trang trại.