Nông dân Nguyễn Thọ chống hạn

(NTO) Anh Nguyễn Thọ (ở thôn Tam Lang, xã Phước Nam, Thuận Nam) là nông dân tiêu biểu ở địa phương đã nỗ lực, chủ động khắc phục khó khăn vượt qua hạn hán, bảo đảm sản xuất ổn định. Anh áp dụng hiệu quả mô hình đào ao trữ nước và lắp đặt hệ thống tưới phun cho cây trồng. Tuy hạn hán kéo dài gần hai năm qua nhưng gia đình anh Thọ vẫn duy trì phát triển sản xuất và chăn nuôi gia súc.

Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Thọ nằm ven triền động cát thôn Tam Lang. Ít ai ngờ giữa mùa khô hạn nắng “cháy da” nhưng đồng đất quanh nhà anh Thọ vẫn xanh biếc màu xanh cỏ voi, dưa hồng, chuối sứ…Anh cho biết, chưa có năm nào khô hạn kéo dài dai dẳng như hai năm gần đây. Vùng đất “bạch sa động” nổi tiếng nước mạch ngọt như Tam Lang đành phải chịu cảnh cạn kiệt. Nhiều hộ nhờ vào nguồn nước sinh hoạt do chính quyền địa phương chở đến cung cấp. Riêng gia đình anh vẫn bảo đảm nguồn nước tích trữ phục vụ sản xuất và nguồn nước giếng ngọt sử dụng mô tơ điện bơm lên hồ chứa phục vụ “miễn phí” cho bà con thôn xóm.

 
Anh Nguyễn Thọ chủ động đào ao bảo đảm nguồn nước sản xuất.

Anh thuê máy đào 3 ao chứa nước với diện tích 2,5 sào để chủ động ứng phó với thời tiết khô hạn. Đồng thời, anh đầu tư trên 20 triệu đồng mua mô tơ, lắp đặt hệ thống phun tưới tiết kiệm nước cho 7 sào đất. Trong đó có 6 sào trồng dưa hồng và 1 sào trồng cỏ voi cung cấp thức ăn xanh cho đàn bò 11 con. Ao đào ven suối Tam Lang tích trữ mạch nước ngầm từ động cát nhĩ xuống đã trở thành nguồn “tài sản” quý giá giúp gia đình anh duy trì tốt việc sản xuất. Cây dưa hồng có thời gian sinh trưởng ngắn, xuống giống khoảng 35 ngày chăm sóc chu đáo là cho thu hoạch. Thương lái đến tận vườn thu mua dưa hồng với giá trung bình 2-3 ngàn đồng/kg. Mỗi sào đất trồng dưa hồng trong thời gian hai tháng cho “lãi ròng” khoảng 5 triệu đồng. Cùng với đó, nhờ cung cấp đủ nước uống và thức ăn xanh nên đàn bò cũng phát triển tốt trong mùa khô hạn.

Anh Thọ đưa chúng tôi đi thăm thú cơ ngơi làm ăn của gia đình. Đến bên giếng được giăng lưới mùng bảo đảm vệ sinh nguồn nước, anh bộc bạch: Giếng nhà tui thả 9 bi, sâu khoảng 4,5 mét, mực nước thường xuyên còn đầy một bi. Hàng ngày, tui bơm lên cung cấp “miễn phí” cho bà con tới chở về sinh hoạt. Trong khó khăn, mình có thì chia sẻ, đùm bọc giúp nhau.

Chị Nguyễn Thị Phúc, Trưởng BQL thôn Tam Lang cho biết, nhờ nguồn nước giếng ngọt của anh Nguyễn Thọ, kết hợp với nguồn nước hỗ trợ của huyện Thuận Nam giúp bà con bảo đảm nước sinh hoạt trong những tháng vừa qua. Mô hình chủ động đào ao tích trữ của gia đình anh Thọ là cách làm hay, đem lại hiệu quả thiết thực giúp gia đình anh ổn định sản xuất hoa màu và chăn nuôi, vượt qua khó khăn trong mùa khô hạn này.