Vai trò của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với công cuộc đổi mới ở nước ta

(NTO) Sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo thực hiện cho đến nay đã đạt được những thành tựu to lớn, làm thay đổi cả diện mạo đất nước và tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. Những thành tựu đó có công đóng góp đặc biệt quan trọng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

 Vào giữa những năm 80 của thế kỷ 20, lúc còn là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí đã thực hiện thí điểm thay đổi cơ chế quản lý kinh tế ở một số doanh nghiệp nhà nước tại thành phố đông dân nhất Việt Nam. Đây là những bước đột phá đầu tiên, dù chưa hoàn thiện nhằm xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp tồn tại ở Việt Nam trong nhiều năm.

Trong quá trình tìm tòi thử nghiệm, trước những khó khăn, đồng chí thường nói: “Phải tự cứu lấy mình, trước khi trời cứu”. Trong tìm tòi bước đi đổi mới, đồng chí đã có những lời tâm huyết như: “Mình phải chặt chẽ với mình. Khi thấy mình đúng, có ý thức xây dựng thì phải kiên quyết bảo vệ chân lý, phải dũng cảm”; “Đổi mới là cuộc cách mạng sâu sắc, triệt để: đổi mới tư duy, đổi mới chính sách, đổi mới tổ chức, đổi mới cán bộ....Người lãnh đạo mà bảo thủ, sai lầm, không chấp nhận đổi mới thật sự thì không thể lãnh đạo được”.

Những tìm tòi thử nghiệm, những mô hình mới ở thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trong cả nước đã là những minh chứng thực tiễn quý báu giúp Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị quyết định xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện cơ chế mới, mở ra công cuộc đổi mới - bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử cho cách mạng Việt Nam.

Chúng ta còn nhớ, khi đất nước ta bắt đầu đón nhận luồng gió đổi mới, được khởi xướng từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6, tháng 12 năm 1986, việc thực hiện đường lối đổi mới gặp phải những cản trở do nhiều hiện tượng tiêu cực còn tồn tại trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó chính là sự trì trệ của cơ chế quản lý cũ quan liêu, bao cấp, cùng với một bộ phận cán bộ thoái hóa biến chất, những kẻ đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả... đã tranh thủ lợi dụng những sơ hở của cơ chế cũ, làm trầm trọng thêm sự trì trệ đó.

Trước tình hình đó, ngày 25-5-1987, trên trang nhất báo Nhân Dân đăng bài viết với hàng tít đậm “Những việc cần làm ngay”, ký tên NVL. Đó là đồng chí Nguyễn Văn Linh. Loạt bài đó đã tạo ra luồng sinh khí mới trong xã hội, đã thể hiện sự trăn trở và tinh thần quyết tâm của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân. Ngay lập tức bài báo của tác giả N.V.L đã thu hút được sự quan tâm của công chúng. Từ ngày 25-5-1987 đến ngày 28-9-1990 đã có 27 bài báo nhan đề “Những việc cần làm ngay” và cái tên N.V.L dần trở nên quen thuộc đối với bạn đọc và “Những việc cần làm ngay” trở thành một chuyên mục trên báo Nhân Dân được nhân dân ưa thích và tìm đọc.

Những việc cần làm ngay và phong trào hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phá tan “sự im lặng đáng sợ” của những người có chức có quyền, của những cơ quan có trách nhiệm về các vụ việc tiêu cực, tạo bầu không khí công khai, cởi mở, dân chủ trong xã hội, góp phần làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội.

Với bút danh N.V.L (Nói và làm), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã mở ra mặt trận chống tiêu cực trên các phương tiện thông tin đại chúng cùng với đông đảo nhân dân. Bởi vì “Một N.V.L hay vài N.V.L không thể biết hết mọi việc, nói hết mọi việc và làm hết mọi việc. Chỉ có sự nhất trí hành động của toàn Đảng, toàn dân mới có thể tạo nên chuyển biến thật sự cho đất nước”. Đây là điều quan trọng để chống tiêu cực thắng lợi, để Đổi mới thành công.

Trong nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư, Nguyễn Văn Linh đã góp phần có ý nghĩa quyết định làm xoay chuyển tình thế, mở đường cho sự nghiệp đổi mới tiến lên. Nhằm khắc phục những bất cập, lạc hậu của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp của Việt Nam, ông đã đưa ra những ý tưởng mới, quan niệm mới, cách làm mới

Trong bài diễn văn đọc tại phiên khai mạc Đại hội VI ngày 15 tháng 12 năm 1986, Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nêu rõ quan điểm: “Phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Đây là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người chúng ta.

Chính với quan điểm và quyết tâm đó, mặc dù trong bối cảnh quốc tế và trong nước cực kỳ phức tạp, song với tinh thần kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng kiên trì thực hiện đổi mới có nguyên tắc - đổi mới nhưng luôn luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vững vàng, chủ động, sáng tạo lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, vượt qua thử thách, kiên trì đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với những bước đi và cách làm phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam: Tập trung đổi mới kinh tế, đồng thời từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, kiên quyết không chấp nhận đa nguyên, đa đảng; coi trọng phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện nghiêm túc cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.