Dấu ấn: Sự kiện lịch sử trong nước ngày 27-6

* Sự kiện

- Từ ngày 27-6 đến 3-7-1964: Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa III họp tại Hà Nội. Kỳ họp đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về Báo cáo chính trị của Hội đồng Chính phủ, thông qua Bản tuyên bố của Quốc hội về tình hình miền Nam; bầu các vị lãnh đạo Nhà nước và thành lập Chính phủ mới. Quốc hội đã bầu: Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa: cụ Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch: cụ Tôn Đức Thắng; Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội: ông Trường Chinh; Thủ tướng Chính phủ: ông Phạm Văn Đồng. Thay mặt các vị lãnh đạo nhà nước phát biểu ý kiến, Hồ Chủ tịch cảm ơn Quốc hội đã tỏ lòng tín nhiệm và hứa với Quốc hội: “Vì Tổ quốc, vì Nhân dân, chúng tôi sẽ luôn luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, quyết không phụ lòng tin cậy của đồng bào và Quốc hội”.

- Ngày 27-6-1968: Bác Hồ gửi thư khen quân dân miền Bắc bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.000 của địch. Chiếc máy bay thứ 3.000 F4H của đế quốc Mỹ bị khẩu đội trực chiến 12,7 ly thuộc Đại đội 367, bắn rơi tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Trong thư, Người viết: “Nam Bắc hai miền đều đánh giỏi! Quân và dân miền Bắc dũng cảm không những bắn rơi nhiều máy bay Mỹ mà thắng cả Mỹ trên các mặt giao thông vận tải, xây dựng kinh tế, giữ vững đời sống nhân dân…”. Cuối thư, Người căn dặn: “Phải luôn luôn cảnh giác, đoàn kết chặt chẽ, ra sức chiến đấu mạnh, sản xuất tốt, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, quyết đánh cho giặc Mỹ thất bại đến cùng…”.

- Ngày 27-6-1978: Ngày thành lập Tổng cục Du lịch. Tổng cục Du lịch là tổ chức trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về du lịch trong phạm vi cả nước, quản lý các dịch vụ công về du lịch theo quy định của pháp luật.

- Ngày 27-6-1978: Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV).

- Ngày 27-6-1997: Việt Nam và Mỹ ký Hiệp định về quyền tác giả.

- Ngày 27-6-2003: Hội Hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (2003-2008). Tại hội nghị, Bà Lê Thị Thu, Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em được bầu làm Chủ tịch Hội.

- Ngày 27-6-2012: tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ II (huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu), khởi công xây dựng Nhà máy thép POSCO SS-VINA với tổng công suất 1 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 594 triệu USD. Trước đó, ngày 27-6-2011: tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I (Bà Rịa-Vũng Tàu), Công ty TNHH Bunge Việt Nam - thành viên của Tập đoàn Bunge (Mỹ) tổ chức khánh thành Nhà máy ép dầu Bunge Việt Nam công suất tiêu thụ 1 triệu tấn hạt đậu nành/năm, tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Đây là nhà máy ép dầu có tầm cỡ thế giới, với công suất lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm này.

- Ngày 27-6-2014: Hội nghị thường niên Diễn đàn đô thị Việt Nam. Hệ thống các đô thị Việt Nam đã và đang từng bước lớn mạnh, là động lực quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Cả nước có hơn 770 đô thị với dân số chiếm hơn 33% tổng dân số cả nước. Các đô thị đã và đang đóng góp một tỷ lệ lớn trong tổng sản phẩm quốc nội. Hoạt động của diễn đàn đã đóng góp một phần tích cực trong việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế về phát triển đô thị.

* Nhân vật

- Ngày 27-6-1942: Ngày mất của nhà văn Thạch Lam. Thạch Lam là một nhà văn nổi tiếng thuộc nhóm Tự lực văn đoàn. Ông tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi là Nguyễn Tường Lân, sinh ngày 7-7-1910, quê ở Cẩm Giàng, Hải Dương. Ngòi bút của Thạch Lam có khuynh hướng đi gần với cuộc sống của những người dân lao động nghèo khổ. Thạch Lam có sở trường về truyện ngắn và rất chú trọng nội tâm nhân vật. Tác phẩm chính của ông gồm các truyện ngắn "Gió lạnh đầu mùa", "Nắng trong vườn", "Sợi tóc", tập tuỳ bút "Hà Nội 36 phố phường"... Hầu hết sáng tác của ông được đăng báo trước khi in thành sách. Các tác phẩm văn chương của ông tuy ít nhưng có giá trị nghệ thuật cao nên ông vẫn đứng vào hàng ngũ các nhà văn lớn của nền văn chương cận đại Việt Nam.